Nâng cao cảnh giác với tội phạm trên không gian mạng

  • 10:15 | Thứ Sáu, 12/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân sử dụng  không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm, các đối tượng gia tăng hoạt động lừa đảo qua không gian mạng nhằm chiếm đoạt số tiền lớn. Người dân cần nâng cao cảnh giác với loại tội phạm này.
 
Đầu tháng 2-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TX. Ba Đồn đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng: Nguyễn Thành Trung (SN 1992), Nguyễn Đức Thủy (SN 2002), Nguyễn Phi Hùng (SN 2004), đều trú tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và Trần Văn Phúc (SN 1999, trú tại xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Nhóm đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo ở TX. Ba Đồn bị phát hiện, bắt giữ.
Nhóm đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo ở TX. Ba Đồn bị phát hiện, bắt giữ.
Theo cơ quan công an, vào ngày 18-12-2020, Công an TX. Ba Đồn nhận được đơn trình báo, tố giác tội phạm của chị Nguyễn Thị Lệ, trú tại xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn với nội dung, chị Lệ nhận được tin nhắn qua ứng dụng Messenger của Facebook mang tên con gái đang du học ở nước ngoài nhờ chuyển 35 triệu đồng cho bạn của con gái. Sau khi chuyển số tiền, chị Lệ mới biết là tài khoản Facebook cá nhân của con gái đã bị kẻ xấu chiếm đoạt để lừa đảo.
 
Từ đơn tố giác của chị Lệ, cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra, xác minh và làm rõ 2 đối tượng nghi vấn gồm Thiều Quang Phi và Trần Văn Phúc, đều trú tại xã Gio An, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Bước đầu đấu tranh các đối tượng khai nhận có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị Nguyễn Thị Lệ.
 
Tiếp tục mở rộng đối tượng chuyên án, Ban chuyên án xác minh nổi lên 3 đối tượng khác, gồm: Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Đức Thủy và Nguyễn Phi Hùng. Cơ quan Công an còn làm rõ  từ ngày 20 đến ngày 29-11-2020, các đối tượng đã liên tục thực hiện 5 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác cùng với phương thức, thủ đoạn như trên, với tổng số tiền hơn 96 triệu đồng của nhiều bị hại khác.
 
Trước đó, Công an tỉnh cũng đã bắt giữ Lê Anh Huy, Nguyễn Lâm Thế Vinh đã có hành vi tạo lập website có tính năng thu thập trái phép thông tin Facebook người dùng và sử dụng ứng dụng Weebly để quản trị website, quản lý thông tin đăng nhập tài khoản Facebook, bằng hình thức sử dụng một đường link có nội dung bình chọn Giọng hát Việt.
 
Sau khi tạo lập Facebook, các đối tượng tìm kết bạn với các Facebook của người Việt Nam đang lao động tại nước ngoài, gửi đường link bình chọn Giọng hát Việt đến cho họ qua tin nhắn Mesenger. Khi người sử dụng Facebook truy cập vào đường link, nhập tên, mật khẩu đăng nhập Facebook để bình chọn thì tên, mật khẩu của họ sẽ được gửi về tài khoản Weebly do Nguyễn Lâm Thế Vinh quản lý.
 
Khi có được mật khẩu đăng nhập Facebook, các đối tượng thay đổi mật khẩu, chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook của nạn nhân và tiến hành nhắn tin mượn tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ danh sách bạn bè người quen của nạn nhân. Trong một thời gian ngắn, hai đối tượng này đã lừa đảo có hành vi chiếm đoạt của một nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với số tiền 58 triệu đồng…
Hai đối tượng Nguyễn Lâm Thế Vinh và Lê Anh Huy bị Công an Quảng Bình phát hiện, bắt giữ vì dùng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai đối tượng Nguyễn Lâm Thế Vinh và Lê Anh Huy bị Công an Quảng Bình phát hiện, bắt giữ vì dùng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết, các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn để đánh lừa người dân. Các đối tượng mạo danh các cán bộ trong cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án), gọi điện cho người dân, nói rằng họ bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu người dân chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp để điều tra. Thủ đoạn này khiến người dân lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp.
 
Một số đối tượng lại giả mạo thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, như: Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế..., có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân. Nội dung thư yêu cầu bị hại tải tệp tin đính kèm hoặc các liên kết trong thư điện tử để xem nội dung chi tiết. Khi bị hại mở tệp tin, truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link, vi rút/mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của bị hại, đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó.
 
Các đối tượng phạm tội còn mở các trang cá nhân bán hàng online để rao bán các mặt hàng thiết yếu, đang khan hiếm, như: khẩu trang y tế, nước rửa tay y tế, đồ bảo hộ..., phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; yêu cầu người mua hàng chuyển khoản trước tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hay tiền chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, sau đó, khóa trang mạng của mình, bỏ số liên lạc để xóa bỏ dấu vết và chiếm đoạt số tiền đã chuyển để mua hàng của nạn nhân.
 
Các đối tượng cài mã độc lên website quyên góp tiền từ thiện liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, khi người dân truy cập các website này sẽ bị nhiễm mã độc, bị lấy cắp thông tin cá nhân, như: số điện thoại, mật khẩu tài khoản điện tử...Các đối tượng sẽ sử dụng những thông tin thu được để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng phạm tội còn mạo danh cơ quan chức năng phòng, chống dịch gọi điện lấy lý do hướng dẫn nạn nhân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó, lừa nạn nhân cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử để đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch lấy cắp tiền trên tài khoản.
 
Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, cơ quan Công an đề nghị người dân: Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch. Người dân khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, thanh toán minh bạch.
 
Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản xã hội; thường xuyên thay đổi và bảo đảm độ mạnh của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết; thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
 
Đồng thời, người dân cần có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng; tài khoản cá nhân; thận trọng khi nhận các thư điện tử; kiểm tra kỹ địa chỉ thư điện tử nhận được xem có đúng là thư điện tử của người mình quen biết không; không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà không muốn nhận hoặc đến từ người gửi không xác định; chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm, ứng dụng tin cậy.
 
Người dân chú ý không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan, như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
 
Sông Lam-Lam Hồng