Tất cả vì... hụi!

  • 21:29 | Thứ Bảy, 26/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 10-2019, tại địa bàn xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) xảy ra một vụ vỡ hụi với số tiền lớn, liên quan đến nhiều người. Nạn nhân trong đường dây hụi bị vỡ người thì “tiền mất, tật mang”, kẻ khác phải chịu cảnh lao lý khi “xót của”, tổ chức ép nợ, xiết nợ, phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
 
Theo hồ sơ vụ án, chị Trần Thị Hiền (SN 1980) trú tại thôn Tam Đa là một trong những chủ hụi trong đường dây hụi nêu trên. Chị Hiền có trách nhiệm chính là ghi chép, lưu giữ sổ sách họ tên, số tiền người tham gia góp hụi. Từ tháng 8-2018 đến tháng 9-2019, có 33 người dân tham gia vào dây hụi của chị Hiền. Quá trình đóng hụi, một số thành viên sau khi lĩnh hụi số tiền lớn rồi bỏ trốn, hậu quả chị Hiền trở thành chủ nợ, vừa là con nợ.
 
Ngày 26-11-2019, nhiều người đóng hụi kéo đến tập trung đông tại nhà chị Trần Thị Hiền để đối chiếu số tiền đóng hụi. Do không thống nhất cách giải quyết hậu quả nên sự việc ồn ào kéo dài đến cả ngày.
 
Trong số những người tham gia góp hụi trong đường dây hụi do chị Hiền làm chủ có Nguyễn Thị Thương (SN 1963), Cao Thị Bích (SN 1988). Họ yêu cầu chị Hiền xác nhận số tiền mình góp hụi chuyển thành tiền nợ, buộc chị Hiền cam kết phải trả nợ. Chị Trần Thị Hiền không đồng ý, chỉ viết giấy xác nhận số tiền nộp hụi dư của Nguyễn Thị Thương là 750 triệu đồng và Cao Thị Bích hơn 135 triệu đồng.
 
Không chấp nhận cách giải quyết trên, khoảng 20 giờ cùng ngày, Thương và Bích tiếp tục đến nhà chị Hiền chửi bới, yêu cầu chị Hiền phải viết giấy nợ và gán nợ tài sản. Cao Thị Bích viết giấy bắt buộc chị Hiền chuyển nhượng một xe mô tô BKS 73D1-181.50 để trừ tiền đã đóng hụi. Nguyễn Thị Thương chuyển một bộ bàn ghế và một kệ ti-vi bằng gỗ của gia đình chị Hiền ra ngoài đường, sai con gái viết giấy chứng nhận và gán nợ. Do bị đe dọa, ép buộc nên chị Hiền cùng chồng phải ký vào giấy chuyển nhượng tài sản, giao xe mô tô, bàn ghế, kệ ti-vi và cam kết trả số nợ còn lại.
Các biên bản định giá tài sản số 47/KL-HĐĐG, 1063/STC-HĐĐG của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuyên Hóa kết luận tài sản gia đình chị Hiền bị lấy đi gồm: xe mô tô BKS 73D1-181.50 có giá 30 triệu đồng; kệ ti-vi bằng gỗ 10 triệu đồng; bộ bàn ghế gỗ giá trị 40 triệu đồng.
 
Với hành vi của mình, Nguyễn Thị Thương và Cao Thị Bích bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hóa truy tố về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”. Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tuyên Hóa tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Thị Thương 36 tháng tù treo, thời gian thử thách 60 tháng; xử phạt Cao Thị Bích 18 tháng tù treo, thời gian thử thách 36 tháng.
 
Không đồng ý với mức án TAND huyện Tuyên Hóa dành cho hai bị cáo, bị hại Trần Thị Hiền viết đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xét xử tăng nặng hình phạt đối với Nguyễn Thị Thương, Cao Thị Bích.
 
Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị cáo Nguyễn Thị Thương và Cao Thị Bích thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Vì xót của, nguy cơ mất trắng số tiền lớn là mồ hôi, nước mắt tích cóp được trong nhiều năm nên Thương và Bích ép buộc, bắt vợ chồng chị Trần Thị Hiền viết giấy gán nợ, giấy chuyển nhượng tài sản, lấy đi những tài sản có giá trị của gia đình chị Hiền. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, đây là việc làm trái với ý chí của chị Hiền, TAND huyện Tuyên Hóa tuyên bố hai bị cáo Thương và Bích phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội.
 
HĐXX xem xét đề nghị tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo từ phía bị hại. Trong quá trình tham gia đường dây hụi do chị Trần Thị Hiền làm chủ, vì xuất phát từ suy nghĩ chủ quan, lo sợ không lấy lại được tiền đóng hụi nên Thương và Bích lấy một số tài sản của chủ hụi, mục đích bắt buộc chủ hụi phải tìm cách trả lại tiền góp hụi. Quá trình xét xử sơ thẩm, TAND huyện Tuyên Hóa đã phân tích làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của các bị cáo và áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho từng bị cáo. Vì thế HĐXX phiên tòa phúc thẩm khẳng định không đủ căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của bị hại Trần Thị Hiền tăng nặng hình phạt đối với Nguyễn Thị Thương và Cao Thị Bích.
 
Kết thúc phiên tòa, HĐXX giữ nguyên mức án như cấp sơ thẩm tuyên, phạt bị cáo Nguyễn Thị Thương 36 tháng tù treo, thời gian thử thách 60 tháng; Cao Thị Bích 18 tháng tù treo, thời gian thử thách 36 tháng. Giao hai bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục. Gia đình hai bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã nơi bị cáo sinh sống động viên hoàn thành nghiêm việc thi hành án. Trong thời gian thử thách, nếu Nguyễn Thị Thương và Cao Thị Bích cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định Luật thi hành án hai lần trở lên thì tòa án có thể quyết định buộc các bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
 
Hồ An
* Tên các nhân vật đã được thay đổi