Nâng cao hiểu biết pháp luật, góp phần giảm nghèo bền vững

  • 08:21 | Thứ Sáu, 25/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, những năm qua, Quảng Bình đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức hiểu biết về pháp luật để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên, có ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật nghiêm túc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội…
 
Quảng Bình có 1 huyện nghèo (huyện Minh Hóa) theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP); 15/16 xã nghèo là đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg, ngày 18-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg); 47 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã biên giới (gọi chung là xã nghèo); 27 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc xã nghèo (gọi chung là thôn, bản đặc biệt khó khăn)…
 
Những địa bàn nói trên cũng chính là đối tượng được thụ hưởng nhiều chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg…
Bộ đội Biên phòng tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về pháp luật cho ngư dân TX. Ba Đồn.
Bộ đội Biên phòng tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về pháp luật cho ngư dân TX. Ba Đồn.
Nhằm triển khai hiệu quả việc nâng cao nhận thức hiểu biết về pháp luật để giảm nghèo bền vững, những năm qua, Quảng Bình ban hành nhiều kế hoạch triển khai các hoạt động TGPL và chỉ đạo, giao Sở Tư pháp làm đầu mối giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch nói trên…
 
Nhờ đó, trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý và thực hiện hoàn thành 10.652 vụ việc TGPL cho 10.652 người thuộc diện được TGPL (trong đó, có 4.529 vụ việc được thực hiện thông qua các đợt TGPL lưu động tại cơ sở ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình); tổ chức thực hiện 549 đợt TGPL lưu động tại các xã nghèo, các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh với 19.306 lượt người tham gia.
 
Bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật hàng nghìn vụ việc cho người được TGPL. Bên cạnh đó, cấp phát miễn phí cho người dân hàng chục nghìn tờ rơi, tờ gấp truyền thông pháp luật về TGPL và tuyên truyền, phổ biến các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến đời sống xã hội của người dân ở cơ sở; tổ chức 199 hội nghị truyền thông về TGPL trực tiếp tại 199 điểm thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn với khoảng 10 nghìn lượt người tham gia; lồng ghép thực hiện tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật 193 vụ việc cho 193 người thuộc diện được TGPL.
 
Những năm qua, việc đặt bảng thông tin, hộp tin về TGPL cũng được các đơn vị chức năng quan tâm thực hiện. Tính từ năm 2011 nay, toàn tỉnh tiến hành lắp đặt 158 bảng thông tin và 158 hộp tin về TGPL tại trụ sở của UBND các huyện có xã nghèo, UBND các xã nghèo, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, bản đặc biệt khó khăn và các đồn biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tại trụ sở tiếp công dân của UBND các huyện, UBND các xã, thị trấn, trụ sở tiếp công dân của cơ quan thanh tra, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở của người khuyết tật… đều đã được lắp đặt bảng thông tin và hộp tin về TGPL.
 
Đến nay, Quảng Bình đã biên soạn và in ấn đĩa CD-R có nội dung tuyên truyền về TGPL để thực hiện cấp phát cho 159/159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh (trong đó có các xã nghèo) để phát trên đài truyền thanh xã; hợp đồng với 54 xã nghèo và các xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn để thực hiện truyền thông về TGPL trên hệ thống phát thanh của xã. Đồng hành với những việc làm nói trên, tỉnhcũng rất quan tâm tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL; hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước tham gia khóa đào tạo nghề luật sư; hỗ trợ thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình…
 
Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: "Việc triển khai thực hiện chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg đã giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và người dân nói chung tiếp cận được các dịch vụ pháp lý miễn phí một cách toàn diện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, đặc trưng về lối sống, phong tục tập quán của nhân dân trên địa bàn huyện, xã nghèo và các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đã tác động mạnh mẽ đến đời sống pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Đồng thời, khuyến khích người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở".
 
Văn Minh