Nâng cao hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh

  • 10:14 | Thứ Bảy, 28/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý cho các đối tượng TGPL, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hướng về cơ sở với các hình thức TGPL lưu động tại 783 địa điểm (các thôn, bản, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…).
 
Cụ thể, từ ngày 1-1-2017 đến 31-5-2020, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tổ chức 244 hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL tại 244 điểm (trong đó, có 199 điểm là các thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn; 45 xã không thuộc xã nghèo trên địa bàn tỉnh…) thuộc các xã trên địa bàn tỉnh với hơn 12.000 lượt người tham gia; lồng ghép thực hiện tư vấn pháp luật cho 193 người được TGPL.
 
Ngoài ra, Trung tâm còn chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng. Trung tâm đã thực hiện TGPL hoàn thành 10.668 vụ việc (tư vấn pháp luật 9.281 vụ việc; tham gia tố tụng 1.340 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 44 vụ việc; hòa giải 3 vụ việc) cho 10.668 người. Đồng thời, Trung tâm còn triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền về hoạt động TGPL thông qua duy trì đường dây nóng về TGPL; tiếp nhận các thông tin về yêu cầu TGPL của công dân...
 
Nhằm nâng cao hoạt động truyền thông về TGPL trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hàng năm, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã phát hành và tiếp nhận khoảng 15.000 các loại tờ rơi, sách pháp luật bỏ túi các loại để cấp phát miễn phí cho người dân qua các đợt TGPL lưu động, nói chuyện chuyên đề về pháp luật hoặc được đặt trong "Hộp tin về TGPL". Qua đó, đã giúp người dân nắm được các quy định của pháp luật để vận dụng trong đời sống hàng ngày.
 
Hình thức truyền thông này đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí, truyền tải được nhiều nội dung pháp luật, đặc biệt phù hợp với điều kiện những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn. Đặc biệt, thông qua "Bảng thông tin", "Hộp tin về TGPL", Trung tâm còn thực hiện niêm yết thông tin về TGPL với các nội dung, như: diện người được TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, thủ tục yêu cầu TGPL, địa chỉ, điện thoại liên hệ của trung tâm, chi nhánh và hộp tin về TGPL. 
Cán bộ Sở Tư pháp phát tài liệu tuyên truyền PBGDPL cho học sinh Trường THPT Đồng Hới.
Cán bộ Sở Tư pháp phát tài liệu tuyên truyền PBGDPL cho học sinh Trường THPT Đồng Hới.
Đến nay, trung tâm đã thực hiện lắp đặt, bổ sung "Bảng thông tin", "Hộp tin về TGPL" đầy đủ tại trụ sở tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ, một số cơ quan, ban, ngành, UBND các xã nghèo, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, bản đặc biệt khó khăn, đồn biên phòng, các tổ chức của người khuyết tật và tổ chức vì người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh, các tổ chức khác của người khuyết tật… để mọi người dân dễ dàng tiếp cận và biết được trình tự, thủ tục TGPL.
 
Thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh luôn chủ động phối hợp thực hiện tốt nhiều chuyên mục “Giải đáp pháp luật”, “Với khán giả xem truyền hình”, "Câu hỏi pháp luật", các chuyên trang, chuyên mục về TGPL… trên Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Bản tin Tư pháp Quảng Bình, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình, website Cục TGPL.
 
Ngoài ra, Trung tâm còn chỉ đạo đội ngũ viên chức, trợ giúp viên pháp lý tăng cường viết tin, bài về hoạt động TGPL trên website của Sở Tư pháp Quảng Bình; ký hợp đồng với Đài truyền thanh-truyền hình các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức phát thanh về các xã, thôn, bản...vào thời gian hợp lý để người dân biết và tiếp cận; duy trì công tác phối hợp truyền thông về TGPL thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở tại xã, phường, thị trấn, thôn, bản…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động truyền thông về TGPL còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: một số cơ quan và địa phương chưa quan tâm đúng mức về hoạt động TGPL, chưa xem đây là nhiệm vụ nhằm bảo đảm quyền được TGPL của người dân. Hoạt động truyền thông về TGPL về cơ sở hiện nay chủ yếu tập trung cho đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình, nên một số địa bàn khác chưa được truyền thông rộng rãi, thường xuyên. Người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới ít có điều kiện được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, dẫn đến nhiều đối tượng được TGPL chưa biết về quyền được TGPL của mình...
 
Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về TGPL, thời gian tới, thiết nghĩ, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh cần quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo tăng cường công tác quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị liên quan do ngành mình quản lý đối với việc triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.Cấp ủy, chính quyền các địa phương cầm quan tâm hơn nữa về công tác TGPL, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương.
 
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở Tư pháp, các cơ quan, ban, ngành liên quan để lồng ghép tuyên truyền về chính sách TGPL trong các hội nghị ở cơ sở. Cần đổi mới hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, như: sử dụng mạng xã hội Facebook, ứng dụng Zalo…
 
Luật gia Lê Thanh Hà