Bất cập quản lý trật tự đô thị-Bài 2: Quản lý vỉa hè... khó chồng khó

  • 08:09 | Thứ Năm, 26/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày bình thường của anh T., chủ quán cà phê cóc trên đường Hữu Nghị thuộc phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) bắt đầu lúc sáng sớm và kết thúc vào đêm khuya. Giống như hàng nghìn hộ dân thị thành khác, anh T. kiếm sống bằng việc tranh thủ khoảng vỉa hè trước nhà, đặt vài bộ bàn ghế nhựa đón khách vãng lai… “Biết lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán là vi phạm, ảnh hưởng đến mỹ quan và trật tự đô thị (TTĐT), nhưng vì cuộc sống, mưu sinh...”, anh T. chia sẻ.
 
Xã hội hóa vỉa hè, những kết quả ban đầu
 
Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, TP. Đồng Hới là trung tâm chính trị-kinh tế-xã hội-khoa học của tỉnh và TX. Ba Đồn đang dần trở thành một đô thị lớn, trung tâm thương mại phía Bắc tỉnh.
 
Xã hội hóa vỉa hè là chủ trương lớn trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm tạo ra sự đột phá mạnh mẽ trong xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp.
 
Theo ông Lê Hòa Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới: “Thành phố đã xây dựng đề án xã hội hóa vỉa hè giai đoạn 2016-2020, cố gắng phấn đấu triển khai tại 42 tuyến phố, vỉa hè có bề rộng từ 2,5m trở lên. Trong 3 năm, dự kiến xây dựng 104.577m2 vỉa hè, kinh phí ước tính 47.895 triệu đồng. Về cách thức huy động vốn, phần vỉa hè trước nhà ở hộ dân, nhân dân đóng góp 40%, ngân sách Nhà nước 60%; phần vỉa hè trước trụ sở doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu, ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí tư vấn thiết kế, chi phí quản lý; doanh nghiệp tự thực hiện thi công theo mẫu thiết kế do thành phố ban hành. Phần vỉa hè trước trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội… và những khu vực công cộng, như: công viên, quảng trường, trường học, bệnh viện…, ngân sách Nhà nước bảo đảm 100%”.
 
Với đề án xây dựng hệ thống vỉa hè bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, mỹ quan, phù hợp với cảnh quan đô thị như trên, qua 3 năm triển khai, TP. Đồng Hới đã phê duyệt 8 công trình, tổng diện tích 31.903m2 vỉa hè, tổng kinh phí đầu tư trên 11.683 triệu đồng; trong đó nguồn hỗ trợ của thành phố 5.257 triệu đồng, ngân sách xã, phường 1.752 triệu đồng, nguồn đóng góp từ nhân dân 4.673 triệu đồng. Một số địa phương thực hiện tốt đề án xã hội hóa vỉa hè, như: phường Bắc Lý trên 9.000m2, phường Phú Hải 15.735m2, phường Đức Ninh Đông 2.740m2…
Các khu đô thị mới ở phường Quảng Phong, TX. Ba Đồn giữ lại một phần quỹ đất để quy hoạch vỉa hè thông thoáng, hiện đại.
Các khu đô thị mới ở phường Quảng Phong, TX. Ba Đồn giữ lại một phần quỹ đất để quy hoạch vỉa hè thông thoáng, hiện đại.
Với TX. Ba Đồn, mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, vững chắc, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nội thị chưa đáp ứng so với thực tiễn. Cụ thể, theo lời ông Trần Trung Lâm, Trưởng phòng Quản lý đô thị: “Hầu như các tuyến phố chính đều được xây dựng lâu, từ thời thị trấn nên vỉa hè bị xuống cấp, chắp vá. Thị xã tập trung khuyến khích người dân cố gắng xây dựng vỉa hè rộng thoáng, sạch đẹp tại những khu đô thị mới”.
 
Quản lý vỉa hè, khó… vì dân?!
 
Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Lê Hòa Sơn chia sẻ: “Vỉa hè được xây dựng có công năng riêng, trở thành các tuyến phố kiểu mẫu phục vụ cho người đi bộ, tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, vỉa hè đang được người dân tận dụng để kinh doanh, buôn bán. Quản lý trật tự đô thị, trong đó, xử lý vấn đề lấn chiếm vỉa hè, sử dụng vỉa hè sai mục đích là nhiệm vụ thường xuyên của các ngành chức năng thành phố. Đội Quy tắc (QT) và TTĐT là lực lượng chủ lực thực hiện công tác này. Nhưng, để có các tuyến vỉa hè thông thoáng, văn minh sẽ rất khó vì liên quan đến mưu sinh của người dân”.
 
Ông Trần Việt Cường, Đội trưởng Đội QT và TTĐT TX. Ba Đồn cũng đồng quan điểm trên: “Hai tuyến phố chính của thị xã là Hùng Vương và Lý Thường Kiệt tập trung đông các hộ dân kinh doanh, buôn bán. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Đội QT và TTĐT chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động người dân không tự ý lấn chiếm vỉa hè, sử dụng vỉa hè một cách có ý thức, văn minh, bảo đảm trật tự giao thông, an toàn đô thị”.
 
Theo báo cáo nhanh của Đội QT và TTĐT TX. Ba Đồn, năm 2016, Đội đã tiến hành giải tỏa 10 trường hợp dựng mái che sai quy định trên đường Hùng Vương; tịch thu 25 biển quảng cáo, bàn ghế lấn chiếm vỉa hè.
 
Năm 2020, đội ra quân giải tỏa tình trạng buôn bán trên phần đất dành cho người đi bộ và đất công cộng tại các khu vực sân vận động thị xã, khu vực đập tràn phường Ba Đồn, địa điểm trước cổng Trường tiểu học số 1 Ba Đồn; phát hiện, phối hợp lập biên bản xử phạt hành chính các hộ gia đình: ông Nguyễn Văn Hoa, TDP Cầu, phường Quảng Phong tập kết vật liệu trên phần vỉa hè ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, gây mất ATGT đường bộ; Nguyễn Văn Sâm, xây dựng lều quán trong hành lang ATGT Quốc lộ 1A tại phường Quảng Thuận; ông Nguyễn Văn Tâm ở TDP Minh Lợi, phường Quảng Thọ làm biển quảng cáo vi phạm hành lang lưới điện… Qua kiểm tra, Đội QT và TTĐT thu giữ 30 biển quảng cáo đặt sai vị trí, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Công trình của một hộ dân lấn chiếm vỉa hè đường Hùng Vương, TX.Ba Đồn.
Công trình của một hộ dân lấn chiếm vỉa hè đường Hùng Vương, TX.Ba Đồn.
Tại TP. Đồng Hới, theo ông Đào Anh Dũng, Đội phó Đội QT và TTĐT thành phố, trong 5 năm (2016-2020), thành phố đã ban hành 16 kế hoạch ra quân chấn chỉnh TTĐT. Qua các đợt ra quân đã tháo dỡ 1.630 bục, bệ, bậc cấp lên xuống và mái che vi phạm, tổng khối lượng phế thải thu dọn 3.500m3; tạm thu 1.630 tang vật vi phạm; tháo gỡ gần 100 băng rôn quảng cáo trái phép; giải tỏa 18 điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng trái quy định. Trong 75 trường hợp bị UBND thành phố ra quyết định xử phạt hành chính, có 11 trường hợp vi phạm TTĐT…
 
Nhóm P.V Bạn đọc
 

Bất cập quản lý trật tự đô thị - Bài 1

Bài 3: Xây dựng nếp sống văn minh đô thị: Cần thay đổi từ tư duy đến hành động