Tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi di cư trái phép

  • 10:09 | Thứ Ba, 15/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, công tác xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng để giúp người dân có công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Hằng năm, số lao động từ nước ngoài đã chuyển về một lượng lớn ngoại tệ nhằm giúp cho nhiều gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh ta có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, việc di cư đến các nước trên thế giới để lao động, tăng thu nhập là một trong những mảnh đất màu mỡ của các đối tượng buôn bán người trong và ngoài nước.
 
Đã có không ít người dân mơ hồ đi theo những lời lẽ dụ dỗ của các đối tượng để rồi “tiền mất, tật mang” và có thể là mất mạng. Và một trong những giải pháp để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ thông tin khi muốn ra nước ngoài, đó là việc tổ chức các buổi tuyên truyền thông qua hình thức “Đối thoại cộng đồng” nhằm hạn chế tình trạng di cư trái phép.
 
Ông Nguyễn Thăng Long, trú ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, hiện có người con trai đang xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Việc xuất khẩu lao động của người thân trong gia đình ông là đi theo các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới có nhu cầu. Chính vì thế, khi đặt chân đến nước bạn, con trai ông đã có việc làm, có thu nhập ổn định và hàng tháng gửi tiền về cho bố mẹ ở nhà trả nợ và trang trải cuộc sống.
 
Được tham gia hội nghị đối thoại cộng đồng do Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Bình; đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Tổ chức Di cư quốc tế IOM tại Việt Nam phối hợp tổ chức tại địa bàn, ông Long bày tỏ sự đồng tình với việc di cư hợp pháp.
 
Ông cho biết: Nhìn chung con em đi đường chính ngạch thì làm ăn rất thuận lợi. Tuy nhiên, rất nhiều con em ở trong địa phương đi con đường không chính ngạch. Và hệ quả thì thật đáng sợ, may mà về được, nhưng tay không, thậm chí vỡ nợ… 
Các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức đối thoại cộng đồng, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn tỉnh về di cư an toàn.
Các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức đối thoại cộng đồng, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn tỉnh về di cư an toàn.
Cũng giống như con trai ông Long, anh N.V.H cũng “ôm mộng” nước ngoài. Tuy nhiên, con đường anh đến nước Australia xa xôi không phải là con đường xuất khẩu lao động hợp pháp. Vì vậy, sau khi bị bắt, lực lượng chức năng sở tại đã trục xuất anh về nước. Dù sao thì trường hợp của anh H. vẫn còn may mắn nhờ được sớm phát hiện và có sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng chức năng, vì vậy, sự trở về của anh cũng gặp ít rủi ro hơn so với những người khác.
 
Trên thực tế, trong những năm qua có không ít người đã nghe theo sự dụ dỗ của một số đối tượng trong và ngoài nước, đánh đổi tất cả để thực hiện việc di cư trái phép đến các nước, mà không lường trước hậu quả, như bị bỏ đói, bị đánh đập, không xin được việc làm và có thể mất mạng. Có nhiều người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, mất hàng tỷ đồng, bị đánh đập, cướp hết tài sản, thậm chí là bỏ mạng nơi đất khách quê người sau khi xuất cảnh trái phép sang các nước.
 
Việc người dân thiếu hiểu biết và thiếu thông tin pháp lý về việc di cư đến các nước khác là một trong những nguyên nhân chính gây nên những hệ lụy khó lường cho gia đình và xã hội. Tại tỉnh Quảng Bình, hằng năm, có hàng ngàn người dân tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường ở các nước. Đại đa số người dân đều đi theo các chương trình hợp tác rõ ràng. Để kịp thời ngăn chặn việc di cư trái phép và định hướng cho người dân khi có nhu cầu di cư chính đáng, đúng pháp luật trong nước và quốc tế, thì việc tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng cho hàng trăm người dân địa phương, tiếp tục giúp họ có thêm những thông tin về chính sách di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người và di cư trái phép là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận các chương trình hợp tác, tham gia các thị trường lao động ở nước ngoài một cách an toàn, hiệu quả.
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh giới thiệu cho người dân những thủ tục xuất nhập cảnh bảo đảm pháp luật của trong nước và quốc tế.
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh giới thiệu cho người dân những thủ tục xuất nhập cảnh bảo đảm pháp luật của trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết: Bố Trạch là địa phương có lượng người tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường các nước tương đối lớn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đã tham gia việc di cư trái phép, đây là điều hết sức nguy hiểm. Vì việc di cư trái phép không chỉ vi phạm pháp luật của nước sở tại mà còn nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, tiền mất, tật mang. Những người có ý định di cư trái phép là đối tượng để bọn lừa đảo, buôn bán người trong và ngoài nước dụ dỗ… vì thế, chúng tôi chỉ đạo các ban ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu được việc di cư trái phép là hết sức nguy hiểm.
 
Thượng tá Trần Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, cho biết: Hằng năm, chúng tôi đã tổ chức truyền thông ở các địa bàn trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức cho bà con, giúp bà con tiếp cận được thông tin chính thống về thị trường cũng như thủ tục xuất nhập cảnh. Chúng tôi mong muốn người dân hạn chế được những rủi ro không đáng có để di cư một cách an toàn, đúng pháp luật trong nước cũng như quốc tế, để việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài thực sự là một phương cách xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn…
 
Quang Văn – Việt Hùng