Lừa đảo chuyển tiền: Lắm chiêu trò tinh vi

  • 13:51 | Thứ Năm, 17/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong thời gian gần đây, công an huyện Bố Trạch và công an các địa phương trên địa bàn đã nhận được nhiều tin báo tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân chủ yếu là những người đăng ký mở tài khoản internet banking tại trụ sở, chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn.
 
Đoạn Messeger đối tượng lừa đảo giả danh người thân chị Nguyễn Thị Thanh C. để lừa chuyển tiền.
Đoạn Messeger đối tượng lừa đảo giả danh người thân chị Nguyễn Thị Thanh C. để lừa chuyển tiền.
Qua hàng loạt vụ việc trên, nổi lên các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: kết bạn qua mạng xã hội, giả mạo người thân, cán bộ ngân hàng, cơ quan thực thi pháp luật; lập website, giả dạng khách hàng yêu cầu nhấp vào đường link giả... để hack thông tin tài khoản cá nhân và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
 
Vào đầu tháng 8, chị Võ Thị Thu T., giám đốc một VP bất động sản tại thị trấn Hoàn Lão đã mất số tiền gần 100 triệu đồng. Chị kể lại rằng, trong lúc đang gọi điện giao dịch với khách hàng, thì tội phạm mạng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của chị T. và bảo chị đọc mật khẩu OTP. Lúc này, với tâm lý mình đang giao dịch với khách hàng, chị không thể ngờ đó là mật khẩu dùng một lần giúp tội phạm mạng có thể dễ dàng lấy đi một số tiền lớn từ tài khoản của chị.
 
Với chiêu thức lừa đảo này, không ít người bán hàng, vì luôn đăng tải đầy đủ thông tin cá nhân, như họ tên, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà riêng,… lên trên trang mạng xã hội, đã bị lấy hết tiền từ tài khoản ngân hàng của mình. Do đó, các ngân hàng luôn đề nghị khách hàng không cung cấp mã số OTP được gửi tới điện thoại di động của khách hàng cho bất kỳ ai, trong bất cứ trường hợp nào. Hiện trên thiết bị di động, nhiều ứng dụng không an toàn được cài đặt vào điện thoại thông minh có thể “nghe lén”, đánh cắp các loại thông tin được lưu trữ trong điện thoại. Người sử dụng phải luôn nâng cao cảnh giác, không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng như số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân.
 
Trước đây, người dân thường trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch. Nhưng hiện nay, sự tiện lợi của dịch vụ Internet Banking nên nhiều khách hàng chuyển sang sử dụng hình thức này. Sự thiếu am hiểu về công nghệ thông tin hoặc những bất cẩn của nạn nhân đã tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng đánh cắp thông tin tài khoản rồi chiếm đoạt số tiền lớn.
 
Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là kẻ gian chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Messenger...) rồi đóng giả chủ tài khoản, viện những lý do cấp thiết để lừa người thân, bạn bè của nạn nhân chuyển tiền gấp qua tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp. Để tránh bị nghi ngờ, các đối tượng thường sử dụng từ ngữ khi nhắn tin giống như chủ tài khoản thường sử dụng. Sau khi người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền qua số tài khoản hoặc cung cấp số thẻ cào điện thoại qua cho chúng thì mới phát hiện mình bị lừa.
 
Điển hình là chị Nguyễn Thị Thanh C. ở xã Lý Trạch, là chủ tài khoản Facebook Thanh Trúc. Chị C. bị kẻ gian giả danh tài khoản Facebook của mình và yêu cầu em gái chị chuyển 5 triệu đồng để thanh toán tiền hàng từ Đài Loan rồi chiếm đoạt.
 
Đồng cảnh ngộ, nhiều người ở xã Hải Phú, nhận tin nhắn từ tài khoản Facebook của người thân từ nước ngoài nhắn về nhờ chuyển số tiền hàng chục triệu đồng qua Internet Banking đến số tài khoản của một người lạ.
 
Dù rất cảnh giác, nhiều người gọi lại để xác minh nhưng với lý do "đang làm, đang học không nghe máy được", hoặc giả vờ mạng chập chờn, người dân nhanh chóng mắc bẫy, ra ngân hàng chuyển tiền hoặc chuyển bằng hình thức Internet Banking. Sau khi chuyển tiền, gọi điện lại được người nhà thông báo thì mới biết mình bị lừa và kẻ gian rất tinh vi.
 
Qua hàng loạt phương thức lừa đảo bằng công nghệ cao nêu trên, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần thực hiện các biện pháp đề phòng, nêu cao cảnh giác.
 
Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện cho người đó trước nhằm xác nhận nội dung chuyển tiền, phòng trường hợp đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội rồi giả mạo người thân, bạn bè để lừa đảo.
 
Đặc biệt, không được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking và mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Bởi vì mã OTP chỉ sử dụng cho mục đích xác nhận khi thanh toán, nếu người dân nhận được yêu cầu đăng nhập để nhận tiền mà đòi hỏi phải cung cấp mã OTP thì đều là giả mạo.
 
Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp. Người dân không được gõ tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking, mã OTP, số tài khoản... của mình vào trang web hoặc liên kết khác với trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng. Mặt khác, khi tài khoản của người dân nhận tiền từ nước ngoài gửi về, chủ tài khoản phải trực tiếp đến ngân hàng để nhận, chứ không thể nhận tiền qua việc truy cập vào bất kỳ đường link hay trang web nào khác.
 
Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo yêu cầu chuyển tiền, người dân cần liên hệ ngay với tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng mình đang sử dụng dịch vụ hoặc cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
 
Hồng Thắm
(Đài TT-TH Bố Trạch)