Tăng cường đấu tranh, ngăn ngừa hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép

  • 08:51 | Thứ Năm, 06/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) không phép và hiện tượng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp (KDĐC) để thực hiện các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, huy động tài chính trái phép đang có xu hướng gia tăng trên toàn quốc và có dấu hiệu xuất hiện tại địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị định, quyết định… của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh về việc đẩy mạnh quản lý, giám sát xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC.
 
Theo báo cáo của Phòng quản lý Thương mại (Sở Công thương), đến nay, Quảng Bình có 12 doanh nghiệp đăng ký hoạt động BHĐC với các mặt hàng kinh doanh chủ yếu, như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện máy, phân bón…
 
Nhìn chung, các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tuân thủ đúng Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, ngày 12-3-2018, Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động BHĐC… Các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm cho Sở Công thương. Một số doanh nghiệp trước khi tổ chức hội thảo đã gửi thông báo thời gian và địa điểm tổ chức giới thiệu sản phẩm cho Sở Công thương. Có doanh nghiệp vừa sản xuất sản phẩm, vừa kinh doanh, tạo được sự tin tưởng đối với khách hàng.
 
Tuy nhiên, các doanh nghiệp BHĐC chủ yếu có trụ sở ở Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác… Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chủ yếu là doanh nghiệp phát triển mạng lưới BHĐC, do vậy, vẫn có nhiều cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh nhưng không đăng ký. Một vài doanh nghiệp trong số đó lợi dụng BHĐC để thu lời, bắt buộc người tham gia mạng lưới phải mua hàng hoặc giới thiệu được nhiều người tham gia.
 
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn dùng chiêu trò dụ khách mua hàng bằng cách quảng cáo “thổi phồng” tính năng, công dụng của sản phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, để trục lợi... Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là hiện tượng lợi dụng mô hình KDĐC để thực hiện các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, huy động tài chính trái phép đang có dấu hiệu xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
 
Để tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp BHĐC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC. Nghị định này có thêm một số quy định mới cấm thực hiện đối với doanh nghiệp BHĐC, như: cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả lương, lợi ích của việc tham gia BHĐC; thực hiện khuyến mãi sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mãi có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương… Đối với người BHĐC, cấm thực hiện hoạt động BHĐC tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động...
 
Doanh nghiệp hoạt động BHĐC có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại các Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động khi có xác nhận đăng ký bằng văn bản. Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp BHĐC có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.
 
Nhằm đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động KDĐC trái phép trên địa bàn tỉnh, ngày 2-7-2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 1145/UBND-KT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh ban hành tại Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND, ngày 18-9-2017.
 
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh, Sở Công thương sẽ tiếp tục hướng dẫn, triển khai các quy định về tăng cường quản lý, giám sát xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC, đặc biệt là Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… cho các đơn vị chức năng, doanh nghiệp có liên quan.
 
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương phối hợp với Sở Công thương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC trên địa bàn để bảo đảm các doanh nghiệp, người tham gia BHĐC tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật có liên quan…
 
Các hành vi vi phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng do hoạt động BHĐC gây ra đều sẽ bị các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật.
 
                                                                                                 Cát Nhiên