Công chức địa chính xã, phường - Có những "ông trời con" ở cơ sở

  • 09:39 | Thứ Hai, 16/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo Thông tư số 06/2012/TT-BNV, ngày 30-10-2012 của Bộ Nội vụ thì một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cán bộ, công chức địa chính xã, phường (sau đây gọi chung tên công chức địa chính) là tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo quy định pháp luật.
 
Với đặc thù “nhạy cảm” lĩnh vực được phân công phụ trách, khi công chức địa chính xã, phường không làm tròn chức năng, nhiệm vụ, bị tha hóa, biến chất sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường trong công tác quản lý đất đai tại cơ sở. Ở những địa phương trở thành “điểm nóng” về đất đai… vô hình chung, một số công chức địa chính xã, phường trở thành những “ông trời con”, dưới một người, trên nhiều người.
 
Bài 1: Những “ông trời con” vướng vào vòng lao lý
 
Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao cộng với sự buông lỏng của cấp ủy đảng, chính quyền trong quản lý đất đai ở cơ sở, những công chức địa chính cấp xã “tự tung, tự tác” hành dân, thu tiền bất chính của dân để tư lợi. Kết cục, khi sự việc được phanh phui, pháp luật sờ gáy, những “ông trời con” này đành phải lâm vào vòng lao lý.
 
Vụ án Nguyễn Ngọc Sơn phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại xã Hoàn Trạch (Bố Trạch) chính là bài học đắt giá để đội ngũ công chức địa chính xã, phường trong toàn tỉnh lấy đó tự răn mình.
Công chức địa chính- xây dựng xã Hoàn Trạch Nguyễn Ngọc Sơn bị lãnh án 20 năm tù là bài học đắt giá để đội ngũ công chức địa chính xã, phường trong toàn tỉnh lấy đó tự răn mình
Công chức địa chính- xây dựng xã Hoàn Trạch Nguyễn Ngọc Sơn bị lãnh án 20 năm tù là bài học đắt giá để đội ngũ công chức địa chính xã, phường trong toàn tỉnh lấy đó tự răn mình
Trên cương vị công chức địa chính- xây dựng xã Hoàn Trạch, trong khoảng thời gian 10 năm (2006-2016), Nguyễn Ngọc Sơn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao tự ý yêu cầu các hộ dân xã Hoàn Trạch đang “khát” đất ở, có đơn xin cấp đất phải nộp tiền lệ phí theo từng vị trí đất mà Sơn tự đặt ra cao hơn mức lệ phí Nhà nước quy định.
 
Bằng thủ đoạn này, Nguyễn Ngọc Sơn trực tiếp nhận từ 65 người dân trong xã với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Nguyễn Ngọc Sơn chỉ nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 200 triệu đồng, số tiền còn lại Sơn chiếm đoạt 1,4 tỷ đồng.
 
Điều đáng nói trong vụ án này là hành vi Nguyễn Ngọc Sơn chiếm đoạt tài sản của người dân xã Hoàn Trạch có sự dung túng, “bật đèn xanh” từ ông Hoàng Văn Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch. Vì theo như lời khai của Nguyễn Ngọc Sơn tại các phiên tòa từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm, mọi hành vi của Sơn diễn ra trong thời gian 10 năm đều do ông Hoàng Văn Đức chỉ đạo, điều hành. Số tiền 1,4 tỷ đồng Sơn chiếm đoạt, Sơn khai đã đưa cho ông Đức 803 triệu đồng.
 
Căn cứ theo tội trạng của Nguyễn Ngọc Sơn, TAND tỉnh Quảng Bình tiến hành xét xử sơ thẩm tuyên phạt Sơn 20 năm tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ra quyết định kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HS-ST, ngày 10-5-2018 của TAND tỉnh Quảng Bình để điều tra lại, khởi tố điều tra bổ sung đối với ông Hoàng Văn Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch (người được cho là đứng đằng sau chỉ đạo hành vi phạm tội của Nguyễn Ngọc Sơn và nhận hơn 803 triệu đồng tiền chiếm đoạt từ Sơn) với các tội danh: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; khởi tố điều tra bổ sung Nguyễn Ngọc Sơn về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
 
Sau khi Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị và bản thân Nguyễn Ngọc Sơn có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm tuyên phạt Nguyễn Ngọc Sơn bản án 18 năm tù, giảm 2 năm so với mức án sơ thẩm. Quyết định khởi tố vụ án hình sự mới với các tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Nguyễn Ngọc Sơn, Hoàng Văn Đức và một số cán bộ UBND xã Hoàn Trạch liên quan.
 
Cùng tên Sơn, cùng vị trí công tác và cùng bị khởi tố với tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là công chức địa chính-xây dựng xã Phúc Trạch- Nguyễn Thanh Sơn.
 
Trong giai đoạn 2010-2014, lợi dụng việc người dân xã Phúc Trạch có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), sau khi nhận đơn, thay vì hướng dẫn công dân làm thủ tục cần thiết và tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai thì Nguyễn Thanh Sơn tự ý đo đạc, giao đất và thu tiền 5 hộ gia đình tại thôn Chày Lập khi chưa có chủ trương cấp đất từ các cơ quan có thẩm quyền.
 
Sau khi thu tiền, Nguyễn Thanh Sơn không lập phiếu thu, không nộp vào ngân sách xã mà cất giữ nhằm tư lợi riêng. Tổng số tiền Sơn thu từ 5 hộ dân thôn Chày Lập hơn 112 triệu đồng. Với tội danh trên, Nguyễn Thanh Sơn bị TAND tỉnh tuyên phạt 27 tháng tù giam.
Phải mất một thời gian dài, huyện Bố Trạch mới xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhiều công trình trái phép tại xã Nhân Trạch
Phải mất một thời gian dài, huyện Bố Trạch mới xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhiều công trình trái phép tại xã Nhân Trạch
Chưa đến mức phải vướng vào vòng lao lý, chỉ bị hình thức kỷ luật hạ bậc lương và luân chuyển công tác, nhưng những sai phạm của công chức địa chính- xây dựng xã Nhân Trạch Nguyễn Bá Chất trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng đã để lại hậu quả khá nặng nề cho xã biển này.
 
Nguyễn Bá Chất biết rõ những sai phạm về đất đai trên địa bàn xã nhưng trong tham mưu, báo cáo hàng năm cho Chủ tịch UBND xã vẫn cố tình “lách luật”, bao che, dung túng, không trung thực… Từ những hành vi này của Nguyễn Bá Chất đã “góp phần” làm sai phạm trong lĩnh vực đất đai càng phức tạp thêm.
 
Giai đoạn 2004-2014, tại xã Nhân Trạch có 61 trường hợp vi phạm liên quan đến đất đai; giai đoạn 2014-2016 phát sinh thêm 7 trường hợp. Phần lớn các trường hợp vi phạm đất đai xảy ra từ rất lâu và kéo dài hơn 10 năm trời, qua nhiều đời cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền. Thế nhưng sai phạm vẫn chồng tiếp sai phạm, không giải quyết dứt điểm.
 
Nghiêm trọng hơn, không chỉ để người dân tự ý lấn chiếm đất đai mà qua tham mưu của cán bộ địa chính, Đảng ủy, HĐND xã thống nhất chủ trương để UBND xã thực hiện các hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, sai quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai.
 
Trong giai đoạn 2004-2014, UBND xã Nhân Trạch cho 38 cá nhân thuê đất trái thẩm quyền. Sau khi thuê đất, nhiều hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trái phép các công trình kiên cố.
 
Khi phát hiện ra thì “mọi sự đã rồi”, đẩy chính quyền xã Nhân Trạch và cả huyện Bố Trạch vào thế khó, tìm cách khắc phục, chấn chỉnh sai phạm trong một thời gian dài. Sau khi nhận án kỷ luật, công chức địa chính- xây dựng xã Nhân Trạch Nguyễn Bá Chất bị luân chuyển công tác đến thị trấn Nông trường Việt Trung.
 
Tại nhiều địa phương khác, vì sự dung túng, tắc trách, không trong sáng của đội ngũ công chức địa chính xã, phường mà xảy ra tình trạng quá trình làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ, dù “sai sót” rõ mười mươi vẫn lách được qua "khe cửa hẹp" đến các cấp có thẩm quyền cao hơn.
Nhóm PV. Bạn đọc
 
Bài 2: Đất đai… “chui lọt lỗ kim”