Tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Đa số người dân đồng tình

  • 08:40 | Thứ Năm, 09/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 30-12-2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1-1-2020, thay thế cho Nghị định 46/2016. Trong đó có nội dung tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Liên quan đến những quy định mới này, đa số người dân đồng tình và hy vọng mức xử phạt mới sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người.
 
Theo đó, nếu trước đây xe đạp là đối tượng “vô can” trong xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn, thì nay, mức phạt được áp dụng cho xe đạp là từ 80.000 đến 600.000 đồng tương ứng với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở. Đối với xe máy, mức phạt là từ 2 - 8 triệu đồng; xe ô tô là 6 - 40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng tuỳ mức độ vi phạm. Có thể nói, đây là những quy định mới với mức phạt tăng cao, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân với đa số ý kiến đồng tình.
 
Anh Hoàng Tuấn Anh, xã Vạn Trạch (Bố Trạch) cho biết: Tôi nghĩ đây là những mức phạt rất cao, đủ sức răn đe tình trạng uống rượu bia vẫn tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho mọi người và cả bản thân mình. Nếu trước đây, tôi và một số bạn bè vẫn có thể sử dụng bia rượu trong mức cho phép có thể điều khiển phương tiện mà không bị phạt, thì bây giờ tôi sẽ tuyệt đối tuân thủ quy định. Trường hợp tham gia các cuộc vui có sử dụng rượu bia, tôi sẽ lựa chọn sử dụng xe ôm hoặc taxi, bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người, đồng thời không bị phạt.
 
Chị Nguyễn Thúy Hằng, phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) chia sẻ: Có không ít người cho rằng những mức phạt nêu trên là quá cao. Tuy nhiên theo cá nhân tôi, mức phạt này sẽ phát huy tác dụng răn đe tất cả những người đã sử dụng rượu bia mà vẫn tham gia giao thông. Thay vì nơm nớp lo lắng bị xử phạt hoặc không tự chủ trong việc điều khiển phương tiện khi “quá chén”, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, thì mỗi người cần tự giác chấp hành quy định. Phương tiện giao thông công cộng là lựa chọn đúng đắn nhất trong những trường hợp đã lỡ sử dụng rượu bia.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe ô tô.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe ô tô.
Về quy định xử phạt đối với người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn, chị Hằng cũng khẳng định đây là quy định văn minh. Bởi lẽ người điều khiển xe đạp thiếu tỉnh táo cũng sẽ là mối nguy cho người và phương tiện tham gia giao thông. “Tôi có một người bạn nước ngoài, mỗi khi tham dự tiệc, ông ấy đều lựa chọn phương tiện giao thông công cộng hoặc đi bộ. Những hôm mang theo xe đạp, sau khi uống vài ly bia cùng bạn bè, ông ấy sẽ dắt xe đi bộ để không gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Tôi nghĩ chúng ta nên dần quen với những quy định nghiêm minh như thế để lập lại trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn!”, chị Hằng cho biết thêm.
 
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với mức xử phạt về tiền, nhiều người dân cho rằng quy định tước bằng lái xe từ 10 - 24 tháng tương ứng theo mức độ vi phạm nồng độ cồn, còn mang tính răn đe cao hơn. Anh  Cao Thanh Hòa, xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa) chia sẻ: Các thành viên trong gia đình tôi rất quan tâm đến những quy định mới của Nghị định 100. Chúng tôi đồng tình cao với mức xử phạt bằng tiền. Bên cạnh đó, quy định tước giấy phép lái xe là một biện pháp mạnh đi kèm để tăng hiệu quả xử phạt, tôi nghĩ nhiều người sẽ e ngại hơn bởi lẽ nếu không được sử dụng phương tiện từ 10 - 24 tháng thì sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong công việc và đời sống hàng ngày!”.
 
Anh Hòa cũng cho biết thêm, cùng với việc tăng mức xử phạt người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Nghị định 100/2019/NĐ-CP bổ sung điều khoản xử phạt vi phạm người sử dụng bia rượu điều khiển xe đạp là rất đúng, thậm chí đối với người đi bộ, trường hợp quá say cũng là nguyên nhân đe dọa đến an toàn giao thông cho mọi người. Do đó, đối với trường hợp người đi bộ đã uống say, cần phải có người nhà đi cùng. Nên theo tôi, bất cứ ai nếu đã uống bia rượu thì không nên tham gia giao thông cho dù là người đi ô tô, xe máy, xe đạp và cả người đi bộ!    
 
Bên cạnh những ý kiến đồng tình nêu trên, vẫn còn một số ý kiến thắc mắc về việc nếu ăn một số loại trái cây khiến có nồng độ cồn trong cơ thể, đối chiếu với quy định sẽ bị phạt cho dù người tham gia giao thông không sử dụng rượu bia. Để làm rõ điều này, đại diện các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã trao đổi trên các cơ quan truyền thông. Đó là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể. Đối với những trường hợp này, quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác, tuyệt đối không bị xử phạt oan!
 
Liên quan đến Nghị định 100, nhiều người dân mong muốn thời gian tới, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và tự giác chấp hành; cần có chế tài xử lý nghiêm minh những những cá nhân nhận và đưa hối lộ trong các trường hợp vi phạm; có kế hoạch phát triển phương tiện giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của mọi người...
 
Với những quy định chặt chẽ, mức xử phạt cao, có tính răn đe và đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, tin rằng Nghị định 100 nói chung, những nội dung xử phạt vi phạm nồng độ cồn nói riêng, sẽ đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn sự bình yên cho đời sống nhân dân.
Ngọc Mai