Nhà trường "lạm thu" hay linh mục "lạm quyền"?-Kỳ 1: Lợi dụng chống "lạm thu" để thực hiện ý đồ "bất tuân dân sự"

  • 08:06 | Thứ Hai, 04/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Không chịu chăm lo chu toàn sứ mạng loan báo lời Chúa và cử hành các mầu nhiệm thánh, một số linh mục đang ngày càng tìm cách lấn sân, làm thay công việc của cha mẹ học sinh, can thiệp thô bạo hoạt động giảng dạy của các trường học, nhằm công khai thực hiện ý đồ “bất tuân dân sự”.

Năm học mới 2019-2020 diễn ra chưa được bao lâu, thông qua rao giảng và lợi dụng mạng xã hội facebook, một số linh mục đã đăng tải, chia sẻ thông tin kích động, xúi giục cha mẹ học sinh phản đối các khoản đóng nộp đầu năm học.

Tiên phong và tích cực trong số này là các linh mục Nguyễn Lượng, quản giáo họ Minh Tiến (Tiến Hóa, Tuyên Hóa), Nguyễn Văn Hảo, quản xứ Diên Trường (Quảng Sơn, TX Ba Đồn), Lê Thanh Hồng, quản xứ Minh Cầm (Mai Hóa, Tuyên Hóa), Mai Văn Quốc, quản xứ Kim Lũ (Kim Hóa, Tuyên Hóa), Nguyễn Minh Sáng, quản xứ Phù Kinh (Cảnh Hóa, Quảng Trạch)…

Buổi tập huấn của linh mục Nguyễn Lượng về cái gọi là lạm thu.
Buổi tập huấn của linh mục Nguyễn Lượng về cái gọi là lạm thu.

Chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

Mục tiêu mà số linh mục này tìm cách xuyên tạc, kích động chống đối chính là những khoản đóng nộp tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận giữa các nhà trường với cha mẹ học sinh. Đầu tiên có thể kể đến là khoản tiền bảo hiểm y tế. Một số linh mục xuyên tạc rằng, đây là khoản tiền tự nguyện nên đã tuyên truyền, ngăn cấm cha mẹ, học sinh không tham gia mua bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo quy định tại khoản 4, điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì học sinh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Do đó, học sinh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và được hỗ trợ một phần mức đóng theo các quy định của Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hành vi xúi giục, ngăn cấm học sinh không tham gia, đóng tiền để hưởng lợi các chính sách từ BHYT là vi phạm pháp luật, đi ngược lại chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Một thí dụ có thể nêu ra là tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo quy định tại Quyết định số 2851/QĐ-UBND, ngày 9-8-2017 của UBND tỉnh quy định việc vận động, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban này trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mức vận động kinh phí tối đa hoạt động theo từng năm học đối với từng cấp học là: Mầm non 11%, Tiểu học 13%, Trung học cơ sở 14% và Trung học phổ thông 15% mức lương cơ sở, lần lượt tương ứng với số tiền 163.900đ/cha mẹ, 193.700đ/cha mẹ, 208.600đ/cha mẹ và 223.500đ/cha mẹ.

Số tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh của từng bậc học được quy định rõ ràng, cụ thể như vậy nhưng linh mục Mai Văn Quốc, linh mục Nguyễn Văn Hảo lại kích động và yêu cầu cha mẹ học sinh Trường THPT Tuyên Hóa và Trường tiểu học Quảng Sơn chỉ nộp 20.000/cha mẹ. Thử hỏi nếu nộp chừng đó tiền thì Ban đại diện cha mẹ học sinh của các trường làm sao đủ kinh phí để duy trì hoạt động trong cả năm học?.

Ngoài ra, các linh mục kích động, yêu cầu các cha mẹ học sinh không nộp tiền trông giữ xe và tiền thuê nhân viên bảo vệ trường với lý do, trường học được đầu tư bằng ngân sách nhà nước nên không phải bỏ tiền ra để thuê người trông giữ phương tiện của học sinh và bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Thông tư số 16/2107/TT-BGDĐT, ngày 12-7-2017 của Bộ GD - ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì “Các trường được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ vệ sinh, bảo vệ”.

Đối với một số tỉnh thu ngân sách cao thì sẽ hỗ trợ ngân sách cho ngành GD - ĐT chi cho hợp đồng vệ sinh, bảo vệ. Nhưng đối với tỉnh ta, điều kiện kinh tế khó khăn nên không bố trí ngân sách cho các trường học.

Do đó, các trường buộc phải ký hợp đồng lao động để thực hiện các nhiệm vụ nói trên. Nếu không thuê nhân viên bảo vệ thì ai sẽ trông coi cơ sở vật chất của trường và phương tiện tham gia giao thông của học sinh.

Trong trường hợp không may xảy ra mất mát tài sản, ai sẽ chịu trách nhiệm? Mặt khác, theo quy định tại Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND, ngày 30-11-2017 của UBND tỉnh về quy định giá các sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã quy định, mức giá dịch vụ trông giữ xe tại các trường học là 11.000đ/tháng đối với xe đạp, đối với xe đạp điện là 22.000đ/tháng. Điều này đồng nghĩa với việc các trường được phép thu tiền trông giữ phương tiện tham gia giao thông của học sinh để trả công cho nhân viên bảo vệ.

Công khai ý đồ “bất tuân dân sự”

Lợi dụng chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục và những bất cập trong quá trình thực hiện các nguồn thu đầu năm học, một số linh mục mục vụ trên địa bàn tỉnh ta đang tìm cách tuyên truyền, lôi kéo quần chúng giáo dân nhằm chống đối, hạ uy tín của chính quyền, mặt khác làm cho người dân ngày càng bức xúc, làm giảm sút lòng tin, tích tụ, gia tăng thêm mâu thuẫn, tạo sự đối kháng với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tích cực, nhiệt tình nhất trong cái gọi là đấu tranh chống nạn “lạm thu” là linh mục Nguyễn Lượng. Trong ngày 24-9-2019 vừa qua linh mục Nguyễn Lượng đi tuyên truyền cho giáo dân các giáo xứ Tân Hội, Lâm Sơn, Đá Nện và Kim Lũ (Tuyên Hóa) cách thức chống đối chính quyền và các nhà trường liên quan đến các khoản thu nộp đầu năm học dưới chiêu bài “Buổi tập huấn về vấn đề lạm thu học đường”.

Ngoài ra, tại Bố Trạch, đoàn của linh mục Nguyễn Hùng Hải, quản nhiệm giáo họ Bồng Lai, linh mục Dương Sĩ Nho, quản xứ Hà Lời, cùng với 10 thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ Hà Lời và giáo họ Bông Lai đến Trường tiểu học và THCS Bồng Lai; đoàn của linh mục Trần Ngọc Hường, quản xứ, quản hạt Nguồn Son cùng 7 linh mục trong giáo hạt đến Trường THPT Nguyễn Trãi, Trường THCS Phúc Trạch gặp Ban giám hiệu để chất vấn, yêu cầu giải trình các khoản thu đầu năm.

Linh mục Nguyễn Văn Hảo gây mất trật tự tại cuộc họp phụ huynh ở Trường Tiểu học Quảng Sơn ngày 28-9-2019
Linh mục Nguyễn Văn Hảo gây mất trật tự tại cuộc họp phụ huynh ở Trường tiểu học Quảng Sơn ngày 28-9-2019.

Nghiêm trọng và trắng trợn hơn, lợi dụng cuộc họp cha mẹ học sinh ngày 28-9-2019 tại Trường tiểu học số 1 Quảng Sơn, xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn, linh mục Nguyễn Văn Hảo dù không thuộc thành phần dự họp nhưng vẫn xông vào trong lớp học can dự, có những lời lẽ, cử chỉ xem thường, thiếu tôn trọng, xúc phạm giáo viên chủ nhiệm và một số cha mẹ học sinh, gây ồn ào, mất trật tự trong trường học.

Rõ ràng đây là hành động “lạm quyền” không thể chối cãi và không thể chấp nhận được của các linh mục. Mới đây nhất ngày 7-10-2019, linh mục Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa (Đồng Hới) có văn bản đăng ký lịch làm việc với Sở GD - ĐT Quảng Bình để kiến nghị việc lạm thu ở các trường trên địa bàn tỉnh.

Hành vi của số linh mục nói trên thực hiện ý đồ “bất tuân dân sự” thể hiện tư tưởng cực đoan, “vô chính phủ” nhằm chống đối chính quyền. Bởi bản chất của ý đồ này là hoạt động công khai từ chối tuân theo các quy định pháp luật của Nhà nước, trong đó có hoạt động giáo dục. Đây là hình thức phản kháng có ý đồ và động cơ rõ ràng nhằm phản đối các chủ trương của chính quyền.

Từ đó buộc chính quyền phải thay đổi, điều chỉnh chính sách, nhưng xét về bản chất đó là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này đã gây tác động tiêu cực, gây tâm lý căng thẳng, bất an trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, ảnh hưởng đến sự yên bình và tình hình ANTT trong các trường học.

Hành vi “bất tuân dân sự” của số linh mục như Nguyễn Lượng, Nguyễn Văn Hảo, Mai Văn Quốc, Nguyễn Minh Sáng… thể hiện sự coi thường kỷ cương, phép nước, trái với nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền, đó là tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Kỳ Sơn

Kỳ 2: Giải pháp nào cho vấn nạn “lạm thu”