Lấn chiếm đất rừng trái phép: Cần giải quyết triệt để

  • 08:32 | Thứ Sáu, 29/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, ở một số địa phương, đơn vị tình trạng người dân sở tại phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng rừng vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp khiến công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp…

Trong những ngày cuối tháng 11-2019, chúng tôi đã có mặt tại một số đơn vị, địa phương của huyện Lệ Thủy, để tìm hiểu về tình trạng lấn chiếm đất rừng nơi đây...

Tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Xã Kim Thủy là một trong những địa phương vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trái phép diễn ra khá phức tạp trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Nhiều vụ lấn chiếm đất rừng trái phép của người dân trên địa bàn xã đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý kịp thời, quyết liệt, tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang có nguy cơ tiếp diễn.

Theo ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trái phép tại địa phương vẫn còn diễn ra, tập trung chủ yếu ở các bản biên giới trên địa bàn xã như: Mít, Trung Đoàn, Ho-Rum… đây là các bản có đến 98% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tỷ lệ hộ nghèo hơn chiếm hơn 70%.

Ông Tuyên cũng cho biết rằng, do cuộc sống tại các bản này quá khó khăn, người dân thiếu đất sản xuất cao, trung bình mỗi hộ chỉ có 855m2 đất. Thêm nữa, trước đây, khi dự án bảo vệ rừng khe Nước Trong chưa được triển khai, người dân ở đây thường dựa vào rừng, nhưng khi dự án triển khai và bảo vệ nghiêm ngặt người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Do sống cạnh rừng, nên tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng để trồng rừng kinh tế và trồng sắn diễn ra khá phổ biến và thường xuyên.

“Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã đã có 14 vụ người dân lấn chiếm đất rừng trái phép với tổng diện tích hơn 11.000m2. Chính quyền địa phương đã ra các quyết định xử phạt hành chính, đồng thời đi đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động người dân hoàn trả lại diện tích dân lấn chiếm, phục hồi lại nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, đa số người dân chưa chịu trả lại diện tích lấn chiếm, thậm chí còn không chịu nộp phạt hành chính do kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn…”, ông Tuyên chia sẻ.

Tại những khu vực rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu quản lý, tình trạng lấn chiếm đất rừng cũng diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là ở khu vực rừng mới được đơn vị giao nhận của Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại.

Theo ông Trương Minh Quảng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu, hiện tại, đơn vị được giao quản lý gần 30 ngàn ha rừng, với địa hình dài, trải rộng nằm trong ranh giới các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy. Hơn nữa, diện tích rừng lại nằm sát địa bàn các thôn, bản, người dân lại trình độ dân trí thấp, vì vậy, tình trạng lấn chiếm đất rừng để mưu sinh vẫn diễn ra thường xuyên.

Đến nay, trên diện tích rừng do đơn vị quản lý, có một số diện tích người dân lấn chiếm đất trái phép... Trong đó, tại khu vực xã Lâm Thủy có diện tích lấn chiếm khoảng 10 ha, thuộc các tiểu khu 480, 481, 469, 485A…; tại khu vực xã Ngân Thủy có diện tích lấn chiếm khoảng 5 ha thuộc tiểu khu 449, 447, 425; tại khu vực xã Kim Thủy có diện tích lấn chiếm khoảng 7 ha thuộc tiểu khu 518, 501, 532…

Tương tự như thế, tại các khu vực rừng ở xã Ngân Thủy cũng chịu áp lực lớn từ việc lấn chiếm đất rừng trái phép của các hộ dân địa phương. Ông Phùng Hải Ninh, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Ngân Thủy (thuộc Trạm Kiểm lâm đường 10, Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy) cho biết, tại xã Ngân Thủy, hiện có gần 30 ha diện tích đất rừng tập trung tại các bản 14, bản Khe Giữa, bản Cẩm Ly…

 Công tác tuyên truyền được chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh.
Công tác tuyên truyền được chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh.

Đây chủ yếu là diện tích đất mà các nông, lâm trường đã bàn giao cho địa phương quản lý nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do người dân lấn chiếm đất để trồng rừng. Hiện tại, lực lượng Kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, có phương án xử lý triệt để những vi phạm tại đây…

Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng…

Tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trái phép đã diễn ra nhiều năm qua gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Lệ Thủy, nhưng đến nay, chính quyền địa phương và nhiều đơn vị chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu, triệt để ngăn chặn và làm giảm nguy cơ lấn chiếm đất rừng trái phép.

Theo ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy, thực trạng lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện đã tồn tại trên 10 năm nay, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn ra với nhiều hình thức tinh vi.

Ông Quế cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu về đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu. Đời sống của một bộ phận lớn người dân ở những địa phương này còn khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó, nhu cầu trồng rừng nguyên liệu của hộ gia đình tại các địa phương trên địa bàn ngày càng lớn, cộng với ý thức chấp hành pháp luật thấp nên xảy ra tình trạng lén lút lấn chiếm đất rừng.

“Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tham mưu cho chính quyền các địa phươngrà soát, tìm các chủ rừng có vi phạm về lấn chiếm đất rừng để xử lý quyết liệt, triệt để. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, lấn chiếm đất rừng…”, ông Quế cho biết thêm.

Nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm để trồng rừng.
Nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm để trồng rừng.

Theo ông Trương Minh Quảng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu, trước tình trạng về lấn chiếm đất rừng của người dân trên diện tích rừng do đơn vị đang quản lý, thời gian tới, đơn vị sẽ rà soát, đề xuất với tỉnh, huyện có phương án xử lý.

Trước mắt, đối với những diện tích rừng mà người dân đã sản xuất có lấn chiếm, chưa được cấp sổ đỏ, đơn vị sẽ đề nghị các cấp có thẩm quyền chuyển đổi, giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, sau đó lập phương án sử dụng đất. Đồng thời, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng trên địa bàn.

Có thể nhận thấy rằng, phương án tháo gỡ và giải quyết bài toán lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn huyện Lệ Thủy chính là sự quan tâm, tạo điều hỗ trợ đất sản xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm minh và triệt để hành vi lấn chiếm của các đối tượng vi phạm…

Tuy nhiên, như kiến nghị của ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, thì vấn đề mấu chốt hiện nay là đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số đất sản xuất, nhất là ở các bản biên giới; quan tâm đến công tác hỗ trợ sinh kế, tạo công ăn việc làm để bà con tránh gây áp lực lên rừng, lấn chiếm đất rừng; có chính sách hỗ trợ, khai hoang đất cho bà con, đặc biệt là đất trồng lúa nước và nâng cao trình độ dân trí cho bà con ở những vùng gần rừng, liền kề rừng…

Ngọc Hải