Ký sự pháp đình:

Vụ kiện tụng bất đắc dĩ

  • 08:29 | Chủ Nhật, 06/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Chính người chị cả nộp đơn ra tòa yêu cầu chia di sản thừa kế và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của người em dâu út, vợ của người em trai út trong gia đình. Và cũng chính bà là người đứng ra nhận nộp thay khoản tiền án phí gần 6 triệu đồng cho người em dâu út này...

Người đứng đơn khởi kiện em dâu út là người chị cả trong gia đình có 6 chị em. Theo đơn khởi kiện của bà Phương, vốn mảnh đất nói trên do bố mẹ bà Phương, nguyên đơn trong vụ việc này khai hoang từ năm 1957. Bố mẹ bà có 6 người con, nhưng sau khi lập gia đình 5 người đã ra ở riêng.

Chỉ có người con trai út là ông Sinh (chồng bà Sáu) lập gia đình và sống trên cùng thửa đất của bố mẹ. Sau khi bố mẹ bà qua đời, năm 1997, ông Sinh tự ý kê khai toàn bộ thửa đất của bố mẹ để lại thuộc quyền sử dụng của mình mà không hỏi ý kiến các anh chị em trong gia đình và được UBND huyện cấp GCNQSDĐ.

Năm 2006, ông Sinh mất, sau đó bà Sáu đi làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu và được cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất nói trên, với diện tích 764,1m2. Tại phiên tòa, cả 5 người em của bà Phương đều đồng ý giao lại phần thừa kế được hưởng cho ông Huy quản lý để làm nhà thờ. Còn đối với ngôi nhà bà Sáu đang ở, 5 người đều thừa nhận do vợ chồng bà Sáu xây dựng nên đồng ý để lại cho mẹ con người em dâu út ở và một phần đất gắn liền với nhà.

Riêng bà Sáu, tại phiên tòa này và các phiên hòa giải tại Tòa trước đó, bà đều vắng mặt. Qua đơn trình bày, bà Sáu cũng thừa nhận nguồn gốc thửa đất như trình bày của bà Phương. Tuy nhiên, việc bà Sáu ký vào biên bản thỏa thuận trước đó là do tinh thần lúc đó không ổn định và có áp lực từ phía anh em nhà chồng. Bà không đồng ý nội dung khởi kiện của bà Phương về việc yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất của bà đang sử dụng.

Đứng trước tòa, người phụ nữ quá tuổi thất thập, mái tóc bạc trắng, trình bày sự việc như thể tâm sự: “Chúng tôi không muốn vì miếng đất mà anh em, con cháu trong gia đình chia rẽ, ganh ghét nhau.

Nếu đã kiện tụng, tranh chấp thì chúng tôi đã làm từ lâu chứ không phải đến ngày hôm nay. Chúng tôi không tham lam đến mức, dù ai nấy đã có gia đình, đầu người nào cũng đã 2 màu tóc và cũng đã có con cháu đề huề, giờ quay lại đòi chia phần tài sản của bố mẹ để lại tranh giành cho mình, để rồi đẩy cả đại gia đình vào cảnh “nồi da xáo thịt”.

Nhưng đây là mảnh đất mà bố mẹ chúng tôi đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt khai phá nên. Đây chính là nơi 6 anh chị em chúng tôi đã được sinh ra và lớn lên. Dù cho bố mẹ chúng tôi đã khuất núi, nhưng nó mãi mãi là ký ức tuổi thơ và là nguồn cội để trở về. Vì vậy, anh chị em, con cháu ai cũng muốn xây dựng ở đây ngôi nhà thờ làm nơi thờ tự, hương khói riêng cho bố mẹ mình.

Chúng tôi cũng không phải là người không am hiểu pháp luật, đến nỗi dứt tình với người vợ của người em trai út (người em trai đã mất) làm nhà thờ cho bố mẹ mà ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của gia đình em”.

Năm 2010, trước khi ngôi nhà thờ được xây dựng, mấy anh chị em trong gia đình đã thỏa thuận với nhau, chia thửa đất nói trên và giao một phần cho ông Huy (trưởng nam) để làm nhà thờ, phần còn lại giao cho em dâu út là bà Sáu sử dụng.

Tất cả anh em, con cháu trong gia đình bà đã thống nhất như vậy và cũng không ai có ý kiến gì. Thế nhưng sau ngày ngôi nhà thờ được khởi công, thì người em dâu thay đổi ý kiến, không đồng ý với thỏa thuận và tự ý phá bỏ móng nhà thờ. Vì vậy, không còn cách nào khác, bà cùng những người anh em khác phải khởi kiện ra tòa yêu cầu chia di sản thừa kế đối với thửa đất nói trên và yêu cầu hủy GCNQSDĐ của người em dâu út.

Sau khi xem hồ sơ vụ việc và căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử cho rằng, sự thỏa thuận trước đó của 6 anh chị em là quyền tự định đoạt tự nguyện của các bên và không vi phạm quy định của pháp luật, nên cần được chấp nhận.

Sự thỏa thuận này cũng phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, không gây ảnh hưởng đến công trình nhà ở và cuộc sống của bà Sáu đã sinh sống trên thửa đất từ trước đến nay. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã quyết định giao ông Huy được hưởng 5/6 phần thừa kế thửa đất nói trên để làm nhà thờ. Bà Sáu được hưởng 1/6 phần thừa kế.

Riêng khoản án phí thi hành án gần 6 triệu đồng của bà Sáu, bà Phương nhận sẽ nộp thay chongười em dâu út. Bà bảo, khởi kiện ra tòa chỉ là thủ tục để thỏa thuận chia di sản thừa kế này được hợp pháp hóa, chứ bà và những người em còn lại không muốn bắt ép ai cả. Bà lại càng không muốn gây sức ép hoặc gây khó dễ gì cho người em dâu út của mình. Bởi nghĩa vụ lo lắng, hương khói cho bố mẹ, thì con cái ai cũng có trách nhiệm như nhau.

D.C.H

------------------------------------------------------------------

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.