Ký sự pháp đình:

"Tại anh tại ả, tại cả đôi bên"

  • 16:39 | Thứ Bảy, 19/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Từng có thời gian hơn mười năm làm cán bộ xã, đầu năm 2018, vì lý do cá nhân, Võ Xuân H (sinh năm 1983) xin nghỉ về nhà lao động tự do. Tuy nhiên trước đó, từ cuối năm 2016, lợi dụng chức danh cán bộ xã, H. tung tin bản thân có nhiều mối quan hệ với “cấp trên”, có thể “chạy việc” cho những ai có nhu cầu. Chiêu trò này của H. đã khiến cho gần 20 nạn nhân sập bẫy. Chứng kiến vụ việc này, không ít người chép miệng nguyên nhân cũng là “tại anhtại ả, tại cả đôi bên”.

Tốt nghiệp đại học, H. may mắn được nhận vào Văn phòng Đảng ủy xã K. Mặc dù chỉ là cán bộ xã, nhưng với tài ăn nói của mình, Võ Xuân H. nhiều lần úp mở với nhiều người về những mối quan hệ với “cấp trên” và khả năng “chạy việc” cho người có nhu cầu.

Quá trình tiếp cận với các nạn nhân, nắm bắt tâm lý và nhu cầu của họ, H. cho biết “sở trường” của mình là chạy việc làm giáo viên với chi phí từ 70 đến 180 triệu đồng tùy địa phương và hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Để tăng tính thuyết phục, Võ Xuân H. yêu cầu các nạn nhân nộp hồ sơ và đặt cọc một phần tiền. Số tiền còn lại, khi nào có kết quả trúng tuyển sẽ giao đủ cho H.!

Với thủ đoạn này, nhiều nạn nhân đã dễ dàng “sập bẫy” của Võ Xuân H. Số tiền phổ biến mỗi người giao cho H. từ 40 đến 100 triệu đồng. Có 19 nạn nhân đã giao tiền và nhận giấy biên nhận từ Võ Xuân H. với tổng tiền 1 tỷ  đồng.

Sau khi nhận tiền cọc, H. phát cho mỗi người một cuốn tài liệu ôn thi để phỏng vấn xét tuyển viên chức. Bên cạnh đó, H. còn chia sẻ các “bí quyết” trong quá trình làm bài thi và phỏng vấn để nâng cao khả năng trúng tuyển.

Với cách thức khá bài bản này, tất cả các nạn nhân đều tin tưởng H. nên có nhiều người, sau khi đặt “tiền cọc” và nhận giấy biên nhận đã tiếp tục chuyển tiền lần thứ hai theo yêu cầu của H. Có người đã chuyển cho H đến 100 triệu đồng.

Sau khi chuyển tiền cho Võ Xuân H., các nạn nhân khấp khởi hy vọng. Thế nhưng cũng từ đó, H. im hơi lặng tiếng. Cho đến khi những người bị hại biết được Võ Xuân H. đã đem đốt hết số hồ sơ của họ thay vì mang nộp để “xin việc” thì họ mới nhận ra mình đã bị dính quả lừa.

Quá trình điều tra vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã thu giữ tại nhà H. các loại giấy nhận tiền, văn bản có nội dung ôn thi và phỏng vấn, tài liệu ôn thi…Võ Xuân H. bị Viện KSND tỉnh đã truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm 1 khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xử phạt mức án 13 năm tù, đồng thời buộc H. phải bồi thường đầy đủ số tiền đã chiếm đoạt của 19 nạn nhân. Đây là mức án mà Hội đồng xét xử đã có sự cân nhắc về những đóng góp của H. trong quá trình công tác và kể cả sự cống hiến của bố mẹ bị cáo.

Hành vi của Võ Xuân H. là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội và gây tâm lý bất an cho người dân, mức án H. phải nhận là thích đáng. Tuy nhiên, chứng kiến câu chuyện này, không ít người cho rằng hậu quả này cũng là “tại anh tại ả, tại cả đôi bên”. Sự thiếu hiểu biết, thiếu cảnh giác và việc dùng tiền để “chạy việc” của một số người đã tạo điều kiện cho H. dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nếu những người bị hại có hiểu biết, tuân thủ pháp luật, không sử dụng cách thức tiêu cực này trong quá trình tìm việc làm, thì đã không dễ dàng “sập bẫy” của Võ Xuân H. Đặc biệt, hành vi dùng tiền “chạy việc” nếu thành công sẽ là sự đánh cắp cơ hội của những người khác, gây ra sự bất công trong xã hội. Trong một số trường hợp, khi thực hiện hành vi này, những người bị hại coi chừng phạm tội hối lộ, dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Nâng cao kiến thức, hiểu biết và tuân thủ pháp luật, không sử dụng các hành vi tiêu cực như dùng tiền “chạy việc” là điều mà mỗi một người nên làm để tránh rơi vào những cái bẫy của kẻ lừa đảo và cả những cái bẫy do chính mình vô tình tạo ra.

Diệu Cầm