Ký sự pháp đình:

Mảnh đất và tình thân

  • 10:16 | Chủ Nhật, 22/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tưởng chừng tình cảm anh em, ruột thịt sẽ rạn nứt, bởi những đòi hỏi lợi ích vật chất. Thế nhưng đến phiên tòa cuối cùng, sau 3 lần xét xử, họ mới chợt tỉnh ngộ và nhận ra: Những ích kỷ cá nhân không thể đánh đổi được tình thân máu mủ!

Suốt nhiều năm qua, kể từ khi người anh phát hiện gia đình em trai được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chồng lên đất của mình, giữa anh em họ đã có những đụng độ, tưởng chừng khó có thể hàn gắn.

Năm 1997, ông Định được UBND huyện cấp GCNQSDĐ với diện tích 10.000m2. Do sức khỏe không bảo đảm để trực tiếp canh tác thửa đất trên, nên năm 1999 ông Định chuyển đến nơi khác sinh sống và chuyển toàn bộ diện tích đất nói trên cho vợ chồng người em trai mượn để canh tác.

Ông Định cũng đã lập một văn bản ủy quyền tạm thời cho ông Ánh (em trai) mượn GCNQSDĐ của mình thế chấp vay tiền ngân hàng để chăm sóc cho 320 cây cao su mà ông đã trồng trước đó. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, canh tác, ông Ánh đã xây dựng nhà ở, trồng cây và phá bỏ toàn bộ cây cao su này.

Điều đáng nói, năm 2000, UBND huyện đã cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Ánh, chồng lên diện tích đất của ông Định. Năm 2013, sau khi phát hiện sự việc nói trên, ông Định đã làm đơn khiếu nại và UBND huyện đã tiến hành thu hồi GCNQSDĐ của ông Ánh. Song, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó, khi ông Ánh không trả lại đất cho anh trai mình. Vì vậy, ông Định khởi kiện ra Tòa yêu cầu ông Ánh tháo dỡ nhà ở và các công trình đã xây dựng trên diện tích đất nói trên.

Tại Tòa, ông Ánh cho rằng, ông và ông Định là anh em ruột. Thửa đất đang tranh chấp, vốn là đồi sim, me được bố mẹ khai phá trồng khoai, sắn trước đây. Sau khi lập gia đình, ông Định được bố mẹ cho ra ở riêng trên một phần diện tích của thửa đất này. Từ khi ông Định chuyển đi nơi khác sinh sống, diện tích đất này bị bỏ hoang.

Năm 1997, ông lập gia đình và cũng được bố mẹ cho ra ở riêng trên một phần diện tích đất cũ của bố mẹ. Năm 1998, nhà nước có chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cây cao su, chính quyền địa phương đã cấp đất cho ông trồng cây cao su.

Và cũng chính ông Định đã viết giấy uỷ quyền không thời hạn cho vợ chồng ông thế chấp GCNQSDĐ vay vốn tại ngân hàng. Năm 2000, UBND huyện đã cấp GCNQSDĐ với diện tích 6.988 m2 cho ông. Vì vậy, việc ông Định khởi kiện yêu cầu ông trả lại 6.988m2 đất và tháo dỡ toàn bộ tài sản trên đất, ông không đồng ý.

Song, ông yêu cầu Toà án xem xét, nếu ông Định lấy lại đất thì phải đền bù toàn bộ tài sản trên đất cho mình. Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định buộc ông Ánh trả lại 6.684m2 đất lâm nghiệp đã lấn chiếm cho ông Định quản lý, sử dụng. Ngược lại, ông Định phải bồi thường cho ông Ánh các tài sản trên diện tích đất nói trên với số tiền 63 triệu đồng.

Không đồng ý nội dung bồi thường toàn bộ giá trị tài sản trên đất cho ông Ánh, ông Định tiếp tục kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã quyết định huỷ bản án dân sự sơ thẩm do vi phạm thủ tục tố tụng và chuyển hồ sơ về cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần này, ngoài các nội dung khởi kiện trước đó, ông Định còn khởi kiện bổ sung, yêu cầu người em của mình trả lại 360 triệu đồng hoa lợi trên đất, gồm: 2/3 công chăm sóc, bảo vệ; tiền khai thác gỗ 320 cây cao su của ông trồng trước đó.

Tại bản án dân sự sơ thẩm, HĐXX tiếp tục giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm trước đó, buộc ông Ánh phải trả lại diện tích đất lâm nghiệp đã lấn chiếm cho ông Định. Ngược lại, ông Định vẫn phải trả lại cho ông Ánh số tiền 63 triệu đồng là số cây trồng trên diện tích đất nói trên.

Không chấp nhận quyết định này của Tòa án, ông Ánh tiếp tục kháng cáo và cho rằng, UBND huyện thu hồi GCNQSDĐ của ông là do cơ quan nhà nước sai phạm, chứ ông không có lỗi, nên ông Định phải bồi thường toàn bộ giá trị tài sản trên đất cho ông. Cứ thế qua mỗi phiên tòa, những đòi hỏi quyền lợi giữa hai anh em họ đã ngày càng đẩy sự việc đi xa hơn.  Tuy nhiên, may sao, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, họ đã ngồi lại với nhau để giải quyết, trên cơ sở tôn trọng ý kiến và lợi ích của nhau.

Theo đó, người em sẽ được quản lý, sử dụng toàn bộ 4.239 m2 đất và sở hữu toàn bộ tài sản, cây trồng trên diện tích này. Còn người anh sẽ quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất, cây trồng trên đất hơn 10.000m2. Họ cũng đã thỏa thuận là không phải bồi thường tiền cho nhau. Ông Ánh cũng đã rút đơn kháng cáo. Trên cơ sở đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã đình chỉ xét xử vụ việc và sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự.

Thay vì tiếp tục kiện tụng để đòi lợi ích về phía mình, hai anh em ông Định cuối cùng đã ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung, giải quyết sự việc thấu tình đạt lý. Bởi họ đã hiểu ra rằng, những lợi ích vật chất dù lớn đều có thể sẻ chia, nhưng tình thân ruột thịt thì không chia cắt được!

D.C.H

--------------------------------------------------------------------

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.