Để những dòng sông yên bình-Bài 1: Xử lý nghiêm "cát tặc" lộng hành

  • 22:14 | Thứ Bảy, 28/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nạn khai thác cát, sạn lòng sông trái phép không phải là câu chuyện mới mẻ. Thực trạng này đã diễn ra từ rất lâu, nhưng vẫn luôn mang tính thời sự, bởi khi các cấp chính quyền, các ngành chức năng tăng cường xử lý thì nạn "cát tặc" tạm lắng xuống một thời gian, sau đó lại tiếp tục tái diễn, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước thực trạng "cát tặc" có chiều hướng gia tăng hoạt động trở lại, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông.

Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông ở địa bàn huyện Tuyên Hoá luôn được các cơ quan chức năng ở huyện quản lý, giám sát khá chặt chẽ.
Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông ở địa bàn huyện Tuyên Hoá luôn được các cơ quan chức năng ở huyện quản lý, giám sát khá chặt chẽ.

Bám sát nội dung nói trên, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh, ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các mỏ cát nên vấn nạn “cát tặc” từng bước được đẩy lùi...

Theo phản ánh của người dân, những năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các dòng sông ở tỉnh đã khiến nhiều đoạn bờ sông bị xói lở, ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm hư hỏng đê kè, hoa màu, nhà cửa và gây bức xúc trong nhân dân.

Người dân còn phản ánh có tình trạng "Chỗ này làm mạnh, nơi kia thờ ơ; các đối tượng thường lợi dụng vị trí giáp ranh để khai thác cát trái phép, khi bị truy đuổi lập tức điều khiển phương tiện đến “vùng an toàn”. Nhiều người còn đặt câu hỏi: Có hay không hiện tượng "bảo kê", tiết lộ thông tin cho các đối tượng khai thác cát trái phép...?.

Gần đây, cũng vì quá bức xúc với "cát tặc" lộng hành, một số người dân huyện Quảng Trạch đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đại biểu HĐND các cấp và Đoàn ĐBQH tỉnh, thậm chí gửi đơn thư phản ánh ra tận Trung ương, các bộ, ngành... đề nghị ngăn chặn, xử lý nghiêm vấn nạn "cát tặc".

Để xác minh vấn đề nói trên, chúng tôi chọn sông Gianh, một trong những con sông lớn nhất ở tỉnh nhằm tìm hiểu về công tác bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên cát, sỏi lòng sông.

Ông Phạm Minh Cảnh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Quảng Trạch cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo Phòng Kinh tế-Hạ tầng phối hợp với Phòng TNMT, các ngành, địa phương đẩy mạnh kiểm tra hoạt động của các bến bãi, điểm tập kết cát tự phát nhỏ lẻ dọc sông Gianh ngang qua địa bàn.

Qua hoạt động kiểm tra, xử lý của lực lượng nói trên, toàn bộ các điểm tập kết cát tự phát nhỏ lẻ dần được xoá bỏ. Đối với 3 bãi tập kết cát trái phép tại thôn Cấp Sơn thuộc xã Cảnh Hoá, UBND huyện tiến hành lập biên bản tạm giữ 150m3 cát, đồng thời lập tổ kiểm tra, giám sát việc vận chuyển cát ra khỏi địa phương.

Còn với bãi tập kết ở xã Quảng Liên của Công ty TNHH Minh Tuấn, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng ở huyện nhận thấy việc tập kết cát ở địa bàn tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, cơ bản được nhân dân đồng tình và không có ý kiến gì. Hầu hết lượng cát được tập kết nơi đây đều xuất phát từ huyện Tuyên Hoá chuyển về. Khu vực tập kết đã được UBND tỉnh cho phép thuê đất để hoạt động trở lại từ cuối năm 2018...

Trong 7 tháng đầu năm 2019, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Quảng Trạch đã tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét "cát tặc" tại những xã trọng điểm như Cảnh Hóa, Phù Hóa.... Qua kiểm tra đã xử phạt 21 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát trái phép, với số tiền xử phạt 48 triệu đồng...

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng Phòng TNMT huyện Tuyên Hóa cho hay: "Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND các xã dọc theo đôi bờ sông Gianh luôn tích cực, chủ động phối hợp với Đoàn công tác liên ngành của huyện trong việc bố trí lực lượng thường trực kiểm soát trữ lượng khai thác, xuất bán, lập hoá đơn bán hàng tại các điểm tập kết, kinh doanh cát sỏi lòng sông.

Kết quả, UBND các xã Văn Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Phong Hóa đã phát hiện, xử phạt 19 trường hợp vi phạm khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép, số tiền xử phạt 40 triệu đồng.

"Để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, thời gian qua, UBND huyện Tuyên Hóa tiếp tục kiện toàn Đoàn công tác liên ngành để hoạt động ngày càng đạt hiệu quả hơn. Ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện đã cấp kinh phí hoạt động cho Đoàn công tác liên ngành 50 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ xã Thạch Hóa, Phong Hóa 2 chiếc thuyền (mỗi chiếc trị giá 60 triệu đồng) nhằm phục vụ công tác phòng chống lụt bão và bảo vệ nguồn tài nguyên cát, sỏi lòng sông.

Hiện nay, toàn bộ các xã nằm dọc theo đôi bờ sông Gianh của huyện đều được cấp thuyền để phục vụ cho công tác bảo vệ nguồn tài nguyên cát, sỏi lòng sông...", Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang thông tin.

Một bãi tập kết cát sỏi lòng sông ở xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch đã bị đình chỉ hoạt động.
Một bãi tập kết cát sỏi lòng sông ở xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch đã bị đình chỉ hoạt động.

Tiếp tục tìm hiểu công tác bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên cát, sỏi ở các tuyến sông Long Đại-Kiến Giang, phóng viên được ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết̉: "Với quyết tâm không để hình thành nên những "điểm nóng" về vi phạm khai thác cát, sỏi lòng sông, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, đồng thời xây dựng phương án quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên này.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, UBND xã Hàm Ninh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 9 trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 24 triệu đồng. Ngoài ra, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Đoàn liên ngành của huyện cũng phát hiện, xử lý 17 vụ vi phạm khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, số tiền xử phạt là 39 triệu đồng...".

Không chỉ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng ở huyện Lệ Thuỷ còn chú trọng đến việc quản lý các bến bãi tập kết nguồn tài nguyên này.

Thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lệ Thuỷ cung cấp, hiện nay trên địa bàn huyện có 13 bến bãi tập kết vật liệu cát, sỏi, trong đó có 3 bến không nằm trong quy hoạch, gồm: Bến tập kết của ông Trần Công Tân ở chân cầu Kiến Giang và 2 bến ở nhánh sông Kiến Giang tại thôn Xuân Hồi, xã Liên Thuỷ của các ông Trần Ngọc Phú, Đỗ Trung Hải.

Bên cạnh việc xử lý, đình chỉ hoạt động các bến bãi chưa có giấy phép hoạt động, UBND huyện Lệ Thuỷ đã chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiến hành làm các thủ tục để hoạt động đúng luật...

Thông tin từ Sở TNMT cho biết, trong 8 tháng năm 2019, qua thanh tra, kiểm tra, các đơn vị chức năng đã xử lý vi phạm hành chính về khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển khoáng sản trái phép 472 trường hợp, với số tiền xử phạt hơn 2,3 tỷ đồng.

Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp, đúng luật và hiệu quả.

Văn Minh

Bài 2: Quản lý đồng bộ cát, sỏi lòng sông