Thưởng gần 4,5 tỷ đồng cho người có thành tích xuất sắc tố cáo hành vi tham nhũng

  • 08:51 | Thứ Năm, 01/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Khen thưởng xứng đáng cho những người thành tích xuất sắc tố cáo hành vi tham nhũng là chính sách thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã được thể chế hoá vào các văn bản pháp luật nước ta trong những năm qua.

Người tố cáo có thành tích được khen thưởng quy định tại Điều 45 Luật Tố cáo 2011, Điều 62 Luật Tố cáo 2018; Điều 67 Luật PCTN 2012 (sửa đổi), Điều 68 Luật PCTN 2018... Đặc biệt, đối với người tố cáo hành vi tham nhũng đến nay được thưởng rất cao lên, tới 4,47 tỷ đồng, tương đương với 3.000 lần mức lương cơ sở (Thông tư số 01/2015/TTLT-BNV-TTCP, ngày 16-3-2015).

Tuy nhiên, trong thực tiễn, người dũng cảm tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và tham nhũng nói riêng hầu hết là vì động cơ mục đích trong sáng, đấu tranh bảo vệ chân lý, công bằng lẽ phải chứ ít quan tâm đến lợi ích cho riêng mình.

Mặt khác, người tố cáo thường gặp khó khăn về năng lực trình độ nhận thức, thiếu các tài liệu chứng cứ cụ thể, nhất là sợ bị trả thù nên ít người dám tố cáo, dẫn đến việc khen thưởng cao chưa có nhiều tác dụng khuyến khích người dân chống tham nhũng.

Hiện nay, chính sách pháp luật đối với người tố cáo nói chung đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng quyền tố cáo.

Trong đó những thiết chế bảo vệ người tố cáo được quy định chặt chẽ thống nhất, tạo ra hành lang an toàn cho người tố cáo. Tuy trong Luật Tố cáo mới không có khái niệm về đơn thư tố cáo  “nặc danh” nhưng thực tế đã chấp nhận đơn thư tố cáo không có tên địa chỉ mà có nội dung rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về người có hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý (khoản 2 Điều 25).

Bên cạnh đó Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực năm 2018 quy định mọi công dân đủ điều kiện về hành vi dân sự đều được tiếp cận mọi thông tin (đọc, xem, ghi chép, chụp) trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước và quy định khác; cơ quan nhà nước công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân (Điều 2).

Như vậy, quy định của hai văn bản luật mới này đã giúp cho người tố cáo giải tỏa được nhiều bức xúc về thực trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng hiện nay. Người dân có quyền lấy được tài liệu, chứng cứ tại bất kỳ cơ quan nhà nước nào làm cơ sở cho việc tố cáo người vi phạm ra trước pháp luật và có thể đến lựa chọn hình hình thức tố cáo chính danh hoặc nặc danh để tự bảo vệ an toàn cho mình cùng người thân.

Theo đó, người dân có quyền đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh, các Văn phòng Luật sư... để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý. Nếu thuộc đối tượng là người nghèo, chính sách, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi... sẽ được miễn phí (Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017).

Với cơ chế pháp lý này đã tạo niềm tin cho mọi người dân yên tâm khi thực hiện quyền tố cáo của mình, đồng thời, với mức thưởng rất cao nói trên sẽ khuyến khích đông đảo quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Văn Sỹ
(Dự án DSRP tỉnh Quảng Bình)