Kiểm sát chặt chẽ hoạt động định giá tài sản

  • 21:10 | Chủ Nhật, 11/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Định giá tài sản trong việc giải quyết các loại án hình sự không chỉ là căn cứ quan trọng để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, mà còn liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Ngày 25-9-2018, Nguyễn Đức Hùng trú tại thôn Hợp Tiến, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa)  trộm 1 chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu THACO, biển kiểm soát 73C-024.09 của anh Nguyễn Văn Cẩn ở thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng.

Sau đó, Hùng điều khiển xe chạy về TX.Ba Đồn. Khi về đến địa phận xã Quảng Hòa, (TX.Ba Đồn) thì va chạm với xe khách Hưng Long gây tai nạn. Tại bản kết luận định giá tài sản số 21, ngày 27-9-2018 của Hội đồng định giá tài sản (HĐĐGTS) trong tố tụng hình sự huyện Tuyên Hoá xác định, xe ô tô tải nhãn hiện THACO, biển kiểm soát 73C-024.09 có giá trị tại thời điểm mất là hơn 296 triệu đồng.

Nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu, ngày 22-1-2019, ông Nguyễn Văn Cẩn, người bị hại trong vụ án trộm cắp tài sản có đơn đề nghị định giá lại giá trị tài sản trong vụ án là chiếc xe ô tô bị Nguyễn Đức Hùng trộm nói trên. Căn cứ yêu cầu của người bị hại, HĐĐGTS trong tố tụng Hình sự tỉnh định giá lại chiếc xe ô tô biển kiểm soát 73C-024.09.

Những tài sản là tang vật trong một vụ trộm cắp tài sản được Công an TX. Ba Đồn thu giữ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án.
Những tài sản là tang vật trong một vụ trộm cắp tài sản được Công an TX. Ba Đồn thu giữ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 855a/KL-HDĐG, ngày 26-3-2019 của HĐĐGTS trong tố tụng hình sự tỉnh kết luận, chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu THACO, tài sản bị mất trong vụ án có giá trị tại thời điểm mất trộm gần 110 triệu đồng. Ngày 25-4-2019, TAND huyện Tuyên Hoá mở phiên toà sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Hùng 30 tháng tù về tội: “Trộm cắp tài sản”, theo quy định tại khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Tuyên Hóa nhận thấy bản kết luận định giá tài sản số 21, ngày 27-9-2018 của HĐĐGTS trong tố tụng hình sự huyện Tuyên Hoá chưa thực hiện đúng Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, ngày 7-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của HĐĐGTS; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Cụ thể, chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu THACO, biển kiểm soát 73C-024.09 là tài sản đã qua sử dụng, sau khi bị chiếm đoạt đã được thu hồi nhưng HĐĐGTS chưa định giá dựa trên cơ sở xác định giá trị thực tế của xe ô tô. Do đó, dẫn đến kết quả định giá tài sản không chính xác, chênh lệch giá trị lớn với số tiền hơn 186 triệu đồng, ảnh hưởng đến việc xác định khung hình phạt đối với bị can và quá trình giải quyết vụ án.

Trên cơ sở kết quả kiểm sát, để bảo đảm hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật, VKSND huyện Tuyên Hóa đã ban hành kiến nghị đối với HĐĐGTS trong tố tụng hình sự huyện, nhằm thực hiện tốt hơn việc định giá tài sản trong thời gian tới, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết tốt các vụ án hình sự, bảo đảm chính xác, đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.

Đó chỉ là một trong số những trường hợp vi phạm của công tác định giá tài sản mà ngành Kiểm sát phát hiện được thông qua hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự. Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, công tác định giá tài sản trong việc giải quyết các loại án hình sự là quy định bắt buộc, là căn cứ rất quan trọng để buộc tội và đánh giá mức độ, tính chất, hành vi phạm tội. Điều này còn liên quan đến việc định khung hình phạt cho hành vi phạm tội.

Tuy vậy, trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp định giá tài sản thấp hơn hoặc cao hơn so với giá trị tài sản do hành vi phạm tội gây ra. Dù chưa có trường hợp người vô tội nào bị oan, nhưng sai là có. Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng này là do những người tham gia HĐĐGTS không chuyên, không đúng thành phần và không am hiểu giá cả thực tế, dẫn đến đưa ra giá tài sản phạm tội không chính xác.  

Cũng theo ông Hùng, việc định giá tài sản còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ, vì còn liên quan mật thiết đến việc bồi thường và thu hồi tài sản phạm tội sau này. Bởi, nếu việc kê biên, định giá tài sản trong các vụ án này không được tiến hành chặt chẽ và chính xác, thì việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, đối với các loại án này, ngoài việc thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra, tố tụng, công tác định giá tài sản cần thiết phải thực hiện một cách chính xác, khách quan, nhằm hạn chế thất thoát tài sản phạm tội và tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt sau này.  

D.C.H