.

Giải đáp pháp luật

.
11:06, Thứ Bảy, 23/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hỏi: Chị Phạm Thị Minh Ngọc (Quảng Trạch), hỏi: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ/chồng có quyền sở hữu tài sản riêng không? Nếu muốn nhập tài sản riêng vào tài sản chung thì phải thực hiện các thủ tục gì?

Trả lời:

* Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ/chồng có quyền sở hữu tài sản riêng:

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Khoản 1 Điều 33 quy định “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Khoản 1 Điều 40 “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng”.

Từ các quy định trên, có thể xác định tài sản riêng là những tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng, tài sản được hình thành trước thời kỳ hôn nhân, tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân… Khi bên nào muốn chứng minh đó là tài sản riêng của mình thì phải đưa ra căn cứ, nếu không thì sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

* Theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Hỏi: Bà Trần Thị Thu Thủy (Phúc Trạch - Bố Trạch ), hỏi: Tôi có thể sử dụng bản sao để đi chứng thực một bản sao khác được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì các loại giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính gồm:

1. Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

2. Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.”

Như vậy, không thể sử dụng bản sao để mang đi chứng thực và việc chứng thực chỉ có thể được thực hiện từ bản gốc.

Chi hội Luật gia Sở Tư pháp
 

,