.

Tủ sách pháp luật từng bước "thắp sáng" nhận thức trong nhân dân

.
09:28, Thứ Năm, 28/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg, ngày 25-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật (TSPL), những năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 2.380 TSPL. Nhiều TSPL ở tỉnh bước đầu đã góp phần "thắp sáng" nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng chính quyền, đơn vị ngày càng đổi thay tích cực...

Ông Cao Ngọc Hoa, Trưởng thôn Bắc Hoá, xã Mai Hoá (Tuyên Hoá) tâm sự: “Việc mượn sách ở TSPL hiện rất đơn giản, chỉ cần liên hệ với cán bộ quản lý thì sẽ mượn được ngay. Từ ngày có TSPL, bà con trong thôn đã hiểu biết hơn về kiến thức pháp luật, rất ít khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Cán bộ và nhân dân ỏ xã Thanh Thuỷ (Lệ Thuỷ) nắm bắt kiến thức từ TSPL của xã.
Cán bộ và nhân dân ỏ xã Thanh Thuỷ (Lệ Thuỷ) nắm bắt kiến thức từ TSPL của xã.

Kể từ khi có TSPL ở UBND xã và ngay tại nhà văn hoá thôn, tôi thường xuyên đến mượn sách để tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi lúc gặp những vấn đề khó hiểu hoặc chưa hiểu rõ, tôi thường nhờ cán bộ tư pháp giải thích thêm. Nhờ có thêm nhiều kiến thức, bản thân đã tích cực, tự tin hơn trong mọi công việc.

Ngoài ra, tôi còn rất hăng hái tham gia truyền đạt với con cháu, bà con lối xóm, để từ đó mọi người cùng tuân thủ đúng các quy định pháp luật của Nhà nước, không còn mơ hồ như trước đây.”.

Anh Trần Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy (Lệ Thủy) phấn khởi cho biết: "Hiện nay tại trụ sở UBND xã Tân Thuỷ và toàn bộ các thôn, hợp tác xã đều có TSPL với nhiều cuốn sách rất giá trị, bổ ích. Chính nhờ xây dựng được các TSPL, đã góp phần tích cực vào việc thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nâng cao nhận thức, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới cho địa phương trong những năm qua.

Nhiều TSPL đã thu hút khá đông người dân trong xã đến tìm hiểu, khai thác thông tin bổ ích để áp dụng vào thực tế cuộc sống, phục vụ công việc cần thiết của bản thân, mở mang kiến thức hiểu biết pháp luật.

Đặc biệt, nhờ xây dựng được các đầu sách thiết thực liên quan đến quá trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân từ đọc sách mà đã áp dụng hiệu quả vào thực tế công việc của mình để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị; mau chóng thoát nghèo và vươn lên khấm khá. Có thể nói, TSPL đã góp phần hiệu quả nhằm "thắp sáng" nhận thức trong cán bộ và nhân dân Tân Thủy...".

Là lực lượng có vai trò xung kích, nòng cốt trong công tác PBGDPL cho người dân ở khu vực biên giới, những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác PBGDPL, góp phần nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển. Việc tích cực tham gia PBGDPL của BĐBP tỉnh còn góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Đặc biệt, công tác PBGDPL của BĐBP tỉnh đã giúp nhân dân ngày càng chấp hành pháp luật tốt hơn, đẩy lùi tình trạng di cư trái phép, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, củng cố hoạt động hòa giải cơ sở, thực hiện tốt hương ước và quy ước ở thôn, bản, từng bước xây dựng nhiều xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...

Thượng tá Đinh Xuân Hùng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Để đạt được kết quả nói trên, BĐBP tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng được nhiều TSPL có giá trị ở địa bàn biên giới.

Ngoài ra, BĐBP tỉnh luôn chủ động nắm bắt, thu thập thêm nhiều kiến thức, tài liệu nhằm phục vụ công tác “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới và hải đảo” ngày càng đạt kết quả cao.

Trong gần 10 năm trở lại đây, BĐBP tỉnh đã tuyên truyền, PBGDPL được trên 1.950 buổi, với khoảng 84.350 lượt cán bộ, nhân dân các xã, phường biên giới tham gia, liên quan đến các nội dung như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Hiệp định Quy chế biên giới Việt Nam - Lào, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam - Lào, Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Pháp lệnh BĐBP, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống ma tuý… cùng nhiều văn bản pháp luật, văn bản quản lý hành chính nhà nước về biên giới có liên quan.

Ngoài xây dựng các TSPL ở địa bàn biên giới, lực lượng BĐBP tỉnh còn về tận các bản để tuyên truyền, PBGDPL.
Ngoài xây dựng các TSPL ở địa bàn biên giới, lực lượng BĐBP tỉnh còn về tận các bản để tuyên truyền, PBGDPL.

Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng, quản lý, khai thác TSPL trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm phối hợp chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả nhất định.

Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhu cầu thông tin, PBGDPL của nhân dân. Hiện nay, trong số gần 2.380 TSPL của toàn tỉnh thì có 820 TSPL ở cấp xã, phường, thị trấn, thôn và khoảng 1.555 TSPL được xây dựng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học (bao gồm cả thư viện)...

Có thể nói, TSPL đóng vai trò rất quan trọng trong việc PBGDPL, góp phần "thắp sáng" nhận thức trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng chính quyền, đơn vị, cá nhân ngày càng có sự đổi thay tích cực.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của TSPL đã gây lãng phí cả về mặt kinh tế lẫn thông tin, tri thức. Thiết nghĩ, nếu áp dụng những giải pháp phù hợp, chắc chắn TSPL sẽ trở thành cẩm nang hữu ích đối với mọi người...

Văn Minh
 

,