.

Tọa đàm thực thi pháp luật và thống kê vi phạm liên quan đến động vật hoang dã

.
08:36, Thứ Năm, 28/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 27-2, tại trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, VKSND Tối cao phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society tại Việt Nam (viết tắt là WCS: Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã) tổ chức buổi tọa đàm thực thi pháp luật và thống kê vi phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam, giai đoạn 2013-2017. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Kiểm lâm và Quản lý thị trường.
Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm.
Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm.
Theo báo cáo của Tổ chức WCS, từ năm 2013-2017, trên địa bàn cả nước, các cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý 1.504 vụ việc với 1.461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, trong đó có 432 đối tượng vi phạm bị đưa ra xét xử.
 
Các vụ vi phạm về ĐVHD thường tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn sát biên giới. Trong số các hành vi vi phạm bị bắt giữ và xử lý có 59,27% đối tượng vận chuyển; 25,60% buôn bán; 10,89% săn bắn; và 4,23% nuôi, nhốt.
 
Cũng theo thống kê của tổ chức này, trong số 180 loài ĐVHD bị vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp, có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, bị đe dọa, như: tê tê, rắn, chim và rùa... Qua các vụ vi phạm có ghi nhận nguồn gốc, có đến hơn 50% các loại ĐVHD có nguồn gốc từ châu Phi.
 
Tại tỉnh ta, theo thống kê của VKSND tỉnh, trong giai đoạn từ 2013-2017, xảy ra 30 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 15 vụ án. 
 
Tại buổi tọa đàm, trên cơ sở báo cáo, thống kê và phân tích của Tổ chức WCS, đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng liên quan đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm xây dựng các kế hoạch đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD một cách có hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới.
 
D.C.H
 
 
 
,