.

Giải đáp pháp luật

.
08:11, Thứ Hai, 28/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hỏi: Ông Nguyễn An Nam (Mỹ Thủy, Lệ Thủy) hỏi: Tôi là người có công với cách mạng. Hiện tại, tôi đang có tranh chấp đất đai với nhà hàng xóm. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết mình thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí. Tôi muốn biết tôi phải thực hiện những thủ tục gì để được TGPL tại Trung tâm TGPL tỉnh Quảng Bình?

Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 29, Luật TGPL năm 2017, khi có yêu cầu TGPL, ông phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện TGPL gồm có:

1. Đơn yêu cầu TGPL;

2. Giấy tờ chứng minh là người được TGPL. Theo quy định tại khoản 1, Điều 33, Thông tư số 08/2017/TT-BTP thì ông cần cung cấp một trong các giấy tờ sau:

+ Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

+ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;

+ Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;

+ Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

+ Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

3. Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL.

Cách thức nộp hồ sơ yêu cầu TGPL: Hồ sơ nộp trực tiếp tại trụ sở Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Bình hoặc Chi nhánh TGPL số 3 hoặc gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, qua fax, hoặc hình thức khác… theo địa chỉ sau:

- Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh: Số 117, đường Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, ĐT: 0232.3841046; 0232.3845365; Fax: 0232. 3824947

- Chi nhánh TGPL số 3: TDP Phong Giang, TT. Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, ĐT: 0232. 3882169.

Sau khi thụ lý vụ việc, Trung tâm TGPL tỉnh sẽ cử người thực hiện TGPL cho ông.

Hỏi: Bà Nguyễn Thị Minh (Lộc Ninh - TP. Đồng Hới) hỏi: Đề nghị cho tôi biết trẻ em thuộc các trường hợp nào được xem là trẻ em không nơi nương tựa?

Trả lời: Căn cứ Điều 5 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, thì trẻ em không nơi nương tựa bao gồm các trường hợp sau:

- Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật.

- Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng.

- Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Trẻ em có cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật.

- Trẻ em có cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

- Trẻ em có cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Trẻ em có cả cha và mẹ không còn khả năng chăm sóc trẻ em.

- Trẻ em có cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

- Trẻ em có cả cha và mẹ đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Trẻ em có cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ trong độ tuổi trẻ em.

- Trẻ em có cả cha và mẹ bị hạn chế quyền làm cha mẹ hoặc tạm thời cách ly khỏi cha hoặc mẹ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là quy định của pháp luật về các trường hợp trẻ em được xem là không nơi nương tựa mà bà quan tâm.

Chi hội Luật gia Sở Tư pháp



 

,