.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở: Giải quyết hiệu quả các tranh chấp ở cộng đồng dân cư

.
08:59, Thứ Bảy, 24/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và mở rộng, đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã đi sâu, bám sát vào địa bàn để giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh… qua đó, đã góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong nhân dân.

Ông Mai Vũ Bảo, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Mai Hạ, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) cho biết, để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, người làm công tác hòa giải phải nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải, có tinh thần tận tụy với công việc, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, có thái độ khách quan vô tư khi nhìn nhận sự việc và thực hiện hòa giải…

Tuy nhiên, không phải bất cứ việc gì xảy ra ở khu dân cư cũng đưa vào hòa giải mà hòa giải viên cần phải biết vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền, pháp luật…

Cũng theo ông Bảo, khi tiến hành hòa giải hòa giải viên phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vụ việc, ý kiến của mọi người, nguyện vọng của các bên mâu thuẫn, các văn bản pháp luật để có phương án hòa giải phù hợp. Chẳng hạn như đối với mâu thuẫn làng xóm cần có tổ đoàn kết; mâu thuẫn gia đình cần có người lớn tuổi đứng đắn, uy tín, kinh nghiệm, có đại diện hội người cao tuổi, đại diện phụ nữ…

Tiểu phẩm “Ra biển” của đội Quảng Bình đã được trao giải xuất sắc tại hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III Khu vực Miền Trung – Tây nguyên năm 2016
Tiểu phẩm “Ra biển” của đội Quảng Bình đã được trao giải xuất sắc tại hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III Khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2016.

Ngoài ra, căn cứ vào các loại mâu thuẫn mà chọn địa điểm và thời điểm cho phù hợp. Có việc phải mời ra trụ sở thôn, có việc tổ chức ở nhà văn hóa, có việc tổ chức ở nhà tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải hoặc ở nhà một trong các bên mâu thuẫn. Nếu làm tốt công tác chuẩn bị như vậy, thì kết quả hòa giải thành công có thể đạt được tới 70-80%.

Ông Bảo cũng cho rằng, nhờ làm tốt công tác hòa giải ở khu dân cư nên 5 năm qua, khu dân cư thôn Mai Hạ, xã Xuân Thủy không có vụ việc khiếu nại vượt cấp, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, góp phần xây dựng kinh tế- xã hội địa phương.

Huyện Quảng Trạch là một trong những địa phương luôn quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, toàn huyện đã có 139 tổ hòa giải với 959 hòa giải viên. 5 năm qua, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 944 vụ việc, trong đó hòa giải thành 853 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%). Để có được kết quả đó, công tác chỉ đạo, điều hành được UBND huyện thường xuyên quan tâm; công tác củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở được thực hiện hàng năm; công tác tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở, tập huấn nghiệp vụ, cấp phát tài liệu luôn được tăng cường…

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Quảng Trạch vẫn còn gặp khó khăn nhất định như: kinh phí giành cho công tác hòa giải ở cơ sở và các điều kiện bảo đảm khác đối với hòa giải viên chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận các cấp (đặc biệt là ở cơ sở) trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa được phát huy. Ngoài ra, kỹ năng hòa giải, mức độ am hiểu pháp luật của đội ngũ hòa giải viên vẫn còn hạn chế…

Theo ông Trần Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Tư pháp: 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, hoạt động của các tổ hòa giải, hòa giải viên đã góp phần giải quyết trực tiếp những tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp trong nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.336 tổ hòa giải với 9.029 hòa giải viên. 5 năm qua, các tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thụ lý, hòa giải 9.195 vụ việc, trong đó hòa giải thành 8.283 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,1%; hòa giải không thành  612  vụ việc; số vụ đang giải quyết 185...

Qua 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã góp phần xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở, nhiều mô hình hay, cách làm mới ra đời đã giúp cho việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh được thực hiện ngay tại cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Văn Lê thì công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải.

Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở nên chất lượng hòa giải chưa cao.

Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình trong hoạt động hòa giải nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên địa bàn dân cư. Nhiều hòa giải viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu hòa giải theo kinh nghiệm sống, theo luật tục và gần như chưa biết vận dụng pháp luật để giải quyết các tình huống cụ thể; quá trình hòa giải chủ yếu vẫn dựa trên uy tín, kinh nghiệm sống và kiến thức hiểu biết xã hội của hòa giải viên mà chưa dựa trên quy định của pháp luật.

Ông Trần Văn Lê cho rằng, trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở cần phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng cua công tác này đối với đời sống xã hội. Các cấp, các ngành cần xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Bên canh đó, cần đẩy mạnh các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm; tăng cường tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động; bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật…

Ngọc Hải-Đoàn Hòa
 

,