.

Đa dạng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học

.
09:45, Thứ Năm, 01/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Công tác giáo dục pháp luật cho học sinh luôn được các cấp quản lý giáo dục và trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm, phát huy tác dụng tốt trong ngăn ngừa có hiệu quả các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; an ninh trật tự được giữ vững, kỷ cương, nền nếp trường học được thiết lập.

Thời gian qua, toàn ngành Giáo dục Quảng Bình đã tích cực triển khai Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, bằng việc cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đến từng cơ sở giáo dục (CSGD).

Các CSGD trong toàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trường học, phòng chống âm mưu kích động, lôi kéo học sinh, sinh viên (HS, SV) tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Mặt khác, các CSGD đã triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung tại Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 16-5-2016, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, HS; Kế hoạch số 584/KH-UBND, ngày 27-4-2016, của UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Cảnh sát giao thông (Công an huyện Tuyên Hóa) phối hợp tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh mang lại hiệu quả thiết thực.
Cảnh sát giao thông (Công an huyện Tuyên Hóa) phối hợp tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh mang lại hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã được ngành GD-ĐT Quảng Bình chú trọng, với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Cụ thể, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GD-ĐT, Công ty Honda Việt Nam giai đoạn 2018-2023 về tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cho HS, SV, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông trong HS, SV; góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT của HS, SV, giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến HS, SV, thời gian qua ngành GD-ĐT đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục về ATGT đường bộ và hướng dẫn kỹ năng lái xe mô tô, xe đạp điện an toàn cho HS, SV trong tỉnh. Địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa là một trong những địa phương làm tốt công tác này.

Với việc phối hợp, lồng ghép nội dung tuyên truyền liên quan đến TTATGT trong  trường học của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Tuyên Hóa, mà tình hình HS vi phạm pháp luật về TTATGT trên địa bàn huyện giảm đáng kể; việc chấp hành pháp luật về TTATGT đối với HS đã có những chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý là tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ được kiềm chế và có chiều hướng giảm, tính chất và mức độ vi phạm ít nghiêm trọng, được xử lý bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính để răn đe.

Làm được điều này là nhờ sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội mà trong đó lực lượng Công an đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục pháp luật cho HS, nhất là trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TATTGT được chú trọng, tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên và HS trên địa bàn.

Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuyên Hóa chia sẻ, sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng đã giúp HS hiểu rõ những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, gia đình và xã hội, để từ đó các em ý thức tránh được hiểm họa trên đường đến trường.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường với Hội Cha mẹ học sinh trong quản lý, giáo dục con em sau giờ học. Bởi thực tế cho thấy, có một số HS cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến tình hình TTATGT chung; nguyên nhân do gia đình vẫn để các em điều khiển xe mô tô, xe máy đến trường trong khi không bảo đảm các điều kiện để tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng khó có thể giám sát được HS sau giờ học, nhất là vào thời gian tan trường lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông trên địa bàn.

Chính vì vậy, phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn quan tâm, thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật về TATTGT trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT, căn cứ vào tình hình địa bàn, lứa tuổi, đối tượng cụ thể để tổ chức các hình thức tuyên truyền phù hợp, từ đó giúp HS hiểu biết tốt hơn nữa pháp luật và chấp hành pháp luật một cách tự giác, nghiêm túc.

Theo số liệu từ phòng GD-ĐT, trong 9 tháng năm 2018, Công an huyện Tuyên Hóa đã phối hợp cùng các nhà trường tổ chức được 25 buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa mang lại nhiều kiến thức bổ ích, dễ nhớ, dễ thực hiện cho các em HS tại các trường THCS, THPT với hơn 12.700 lượt giáo viên và HS tham gia.

Có thể thấy rằng, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các tờ rơi, bộ ảnh thì việc đa dạng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học bằng những buổi nói chuyện lồng ghép, hay tuyên truyền pháp luật với các hình thức khác như tổ chức ngoại khóa, sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật... đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích, dễ nhớ, dễ thực hiện đối với HS.

N.Hà
 

,