.

Chấm dứt ngay việc sử dụng trẻ em thành công cụ chống phá chính quyền!

.
08:06, Thứ Hai, 01/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Ấy thế mà giờ đây, các linh mục cực đoan ở một số giáo xứ đang dần biến các em thành công cụ để thực hiện ý đồ xấu xa. Đây là những việc làm cần phải lên án.

Thời gian gần đây, do chưa hiểu hết đặc điểm sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (TV1 - CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại và phương pháp, nội dung chương trình giảng dạy có nhiều khác biệt so với chương trình giáo dục hiện hành, khiến cho nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh ta nói chung và phụ huynh theo đạo Công giáo nói riêng có những băn khoăn, lo lắng.

Lớp học ở Trường tiểu học số 1 Xuân Hòa vắng bóng học sinh.
Lớp học ở Trường tiểu học số 1 Xuân Hòa vắng bóng học sinh.

Lợi dụng vấn đề này, thông qua rao giảng, một số linh mục đã chỉ đạo các phụ huynh là giáo dân có con em đang học bậc tiểu học không được đến trường để phản đối tài liệu TV1 - CNGD và các khoản thu đầu năm học 2018 - 2019 theo thư kêu gọi của Tiểu ban Công lý và hòa bình Giáo phận Vinh cũng như một số sai sót của ngành GD - ĐT.

Hệ quả là từ ngày 17 đến 21-9-2018, đã có 418/610 học sinh Trường tiểu học số 1 Quảng Xuân và ngày 24-9-2018, có 320/403 học sinh Trường tiểu học Nhân Thọ, phường Quảng Thọ, TX. Ba Đồn nghỉ học.

Việc một số linh mục chỉ đạo phụ huynh là giáo dân không cho các em học sinh bậc tiểu học trong giáo xứ đến trường không những cản trở việc học tập của các em, làm ảnh hưởng đến tiến độ chương trình dạy học mà Phòng GD - ĐT huyện Quảng Trạch và Phòng GD - ĐT TX. Ba Đồn đề ra từ đầu năm học, mà đã vi phạm nghiêm trọng Luật Giáo dục và Luật Trẻ em.

Chưa dừng lại ở đó, một số linh mục như Mai Xuân Ái, quản xứ Xuân Hòa, Quảng Xuân (Quảng Trạch), Nguyễn Lượng, phụ trách giáo họ Minh Tiến, Tiến Hóa (Tuyên Hóa) chỉ đạo giáo dân yêu cầu Ban giám hiệu các Trường tiểu học có con em theo học phải làm việc với Ban công lý và hòa bình giáo xứ, giáo họ để thống nhất chương trình giảng dạy, các khoản thu đầu năm học.

Rõ ràng đây là hành động thể hiện sự ngang ngược, lộng quyền của các vị linh mục muốn lấn lướt và qua mặt chính quyền cũng như cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT trên địa bàn huyện. Đây không phải là lần đầu tiên linh mục Nguyễn Lượng đưa ra những yêu sách ngang ngược, xem thường vai trò quản lý nhà nước tại địa phương.

Bởi trong năm học 2017 - 2018, khi đang mục vụ tại giáo xứ Thủy Vực, Quảng Hợp (Quảng Trạch), vị linh mục này cũng đã đưa ra những đòi hỏi quá đáng nhưng không được chính quyền địa phương cũng như ban giám hiệu các trường học trên địa bàn chấp nhận.

Tài liệu TV1-CNGD đã trải qua thời gian thực nghiệm gần 40 năm. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT đã đánh giá tài liệu TV1-CNGD cơ bản bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông.

Do đó, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các Sở GD-ĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 - 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với bộ sách giáo khoa hiện hành thì tài liệu TV1 - CNGD được Bộ GD-ĐT đồng ý và coi đây là một phương án để các địa phương lựa chọn triển khai phù hợp trên tinh thần tự nguyện của các nhà trường. Trong năm học 2018 - 2019, tài liệu này đang được 43% học sinh lớp 1 trong cả nước sử dụng.

Việc làm của một số vị linh mục là trái với quy định tại Điều 795, Quyển III. Nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội của Ủy ban Giáo dục Công giáo Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Các trẻ em và các thanh thiếu niên phải được đào tạo thế nào để họ có thể phát triển cách hài hòa những tài năng thể lý, luân lý và trí tuệ của mình, để họ có được một ý thức hoàn hảo hơn về trách nhiệm và biết sử dụng sự đúng đắn sự tự do của mình, và để họ trở thành những người có khả năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội”.

Tại Trường tiểu học số 1 Quảng Xuân có 6 em bị khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên năm học này, phụ huynh của các em không thể tiếp tục cho học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật của huyện mà xin về nhập học với các em bình thường nên gọi là lớp “hòa nhập cộng đồng”.

Do khiếm khuyết về trí tuệ và hạn chế khả năng học tập, tiếp thu kiến thức nên khi về học giáo lý các em không viết, không đọc được. Lợi dụng vấn đề đó, một số chức sức sắc giáo xứ Xuân Hòa đã quay lại và đăng lên trang fanpage Giáo xứ Xuân Hòa để chia sẻ, lan tỏa thông tin, qua đó xuyên tạc, bóp méo chất lượng giáo dục công lập.

Thư ngỏ của Tiểu ban công lý và hòa bình Giáo phận Vinh.
Thư ngỏ của Tiểu ban công lý và hòa bình Giáo phận Vinh.

Đây là việc làm thể hiện sự bất nhân, bỉ ổi của các vị chức sắc của giáo xứ này khi lợi dụng những khiếm khuyết, hạn chế của các em làm công cụ để hạ uy tín chính quyền, phục vụ ý đồ xấu xa của linh mục cũng như Tòa Giám mục Giáo phận Vinh.

Năm 2017, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, quản xứ Cồn Sẻ đã sử dụng trẻ em vào các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Công ty Formosa gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung, hiệp thông cầu nguyện cho các đối tượng hoạt đông xâm phạm an ninh quốc gia bị cơ quan Công an bắt, xử lý.

Và năm nay, một số linh mục lại tiếp tục lợi dụng trẻ em làm vấy bẩn và ảnh hưởng nghiêm trọng sự thuần khiết môi trường giáo dục. Tình trạng một số linh mục đang mục vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sử dụng trẻ em làm công cụ để chống phá chính quyền và đưa ra những yêu sách ngang ngược đang ngày càng tăng lên. Việc làm bất nhân, bất nghĩa, bất tuân giáo lý của những linh mục này cần được cả cộng đồng lên án, đấu tranh để loại bỏ.

Hãy trả lại cho các em sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng của tuổi học trò. Để các em được sống trong môi trường giáo dục thuần chất, được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội.

Hữu Nhật
 

,