.
Ký sự pháp đình:

Cục đất... mà biết nói năng (?!)

.
10:56, Chủ Nhật, 09/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Chuyện kiện tụng, tranh chấp đất đai giờ đây không còn là chuyện hiếm. Có những vụ việc đúng sai đã rõ mười mươi, thế nhưng không ít người vẫn đâm đơn ra tòa để kiện cho bằng được…

Năm 2001, sau khi bàn bạc, thỏa thuận, ông N, bà H đồng ý bán và viết giấy chuyển nhượng 1 lô đất có diện tích 244m2, với số tiền 245 triệu đồng cho ông P, bà T. Mặc dù chưa qua xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng biên bản thỏa thuận đã có xác nhận của Bí thư chi bộ.

Một thời gian sau, ông N đã nhận đầy đủ số tiền nói trên và viết giấy nhận tiền. Tại thời điểm bán đất, lô đất nói trên vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất), nên 2 bên chưa làm các thủ tục cần thiết theo quy định của Nhà nước.

Phải một năm sau ngày chuyển nhượng, vợ chồng ông N mới làm được GCNQSD đất và hai bên phải làm lại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có xác nhận của UBND phường, UBND thành phố.

Sau khi được UBND thành phố cấp GCNQSD đất, ông P, bà Tđã chuyển nhượng lại mảnh đất này cho vợ chồng con gái và đã được cấp có thẩm quyền cấp GCNQSD đất mới. Ngày vợ chồng người con gái khởi công xây dựng nhà ở trên thửa đất này, cũng là ngày phát sinh kiện tụng tranh chấp giữa những người mua kẻ bán trước đó.

“Tiền trao, cháo múc”, ấy thế nhưng, trong đơn khởi kiện ra tòa án, bà H và các con của mình yêu cầu tòa hủy bỏ các hợp đồng chuyển nhượng và các GCNQSD đất nói trên, với lý do chồng bà đã tự viết giấy chuyển nhượng đất cho ông P. bà T, bà và các con không hề hay biết.

Bà cho rằng, mảnh đất mà gia đình bà được cấp là của cả gia đình bao gồm ông bà và con cái, ông N(chồng bà) không có quyền tự ý bán đất. Bà yêu cầu ông P trả lại đất cho gia đình bà, đổi lại, gia đình bà sẽ trả lại tiền cho ông P. Chuyện thật như đùa, lẽ dĩ nhiên, phía bị đơn là gia đình ông P không chấp nhận điều kiện này.

Sau khi xem xét lịch sử thửa đất nói trên, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm sau đó đều khẳng định diện tích đất nói trên là tài sản của vợ chồng bà H (vốn trước đó, thửa đất được đơn vị của ông Ncấp cho cá nhân ông), mà không phải là tài sản chung của cả gia đình (bao gồm con cái của ông bà), vì vậy các con của ông bà không có quyền định đoạt thửa đất.

Về vấn đề ông Ntự ý bán đất mà không bàn bạc với bà, HĐXX cho rằng, mặc dù bà H không trực tiếp ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất trước đó, nhưng bà vẫn biết việc chuyển nhượng này và không hề phản đối. Lý do HĐXX đưa ra là vì sau khi chuyển nhượng, cơ quan có thẩm quyền đã ghi rõ trong GCNQSD đất, thì không nguyên cớ gì bà không biết.

Hơn nữa, vào năm 2009, vợ chồng bà H đã thế chấp diện tích đất còn lại của ông bà sau khi đã chuyển nhượng cho ông Ptại ngân hàng để vay vốn. Như vậy, có nghĩa là bà H đã biết được việc chuyển nhượng đất nhưng không phản đối.

Do đó, việc bán đất của ông N cho ông P là không vi phạm việc định đoạt tài sản chung. HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn yêu cầu khởi kiện và đơn kháng cáo của bà Hvà những người có nghĩa vụ liên quan.

Kết quả là vậy, thế nhưng, ngày con ông P tiến hành làm nhà ở trên thửa đất này, gia đình bà H đã cản trở, không cho xây dựng, khiến con ông lâm vào tình trạng dở khóc dở mếu, có đất nhưng không xây dựng được nhà ở.

Tình ngay, lý cũng ngay, thế nhưng chả lẽ giờ đây họ lại tiếp tục đâm đơn khiếu kiện hành vi cản trở của bà H!? Tất cả cũng chỉ vì giá bán của thửa đất lúc này lên cao quá, mà lúc bán thì giá thấp. Giá như “cục đất mà biết nói năng” thì họ đâu phải khổ sở như vậy. Và ông N cũng không “mắc phải tội” với vợ con như vậy.

D.C.H
 

,