.

Vì sao vẫn còn đơn thư khiếu kiện kéo dài?

.
08:30, Thứ Năm, 16/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Giải quyết không thấu đáo, thậm chí nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (KN,TC) của công dân bị giải quyết chậm trễ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư tồn đọng, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Không ít trường hợp trong đó là do sự thiếu trách nhiệm, giải quyết không kịp thời của chính quyền địa phương. Năm 1998, ông Đậu Văn Sính ở xã Phù Hóa (Quảng Trạch) nhận chuyển nhượng từ bà Trần Thị Ngọc thửa đất số 214, tờ bản đồ số 5, với diện tích 510m2 tại thôn Long Châu.

Mặc dù, việc chuyển nhượng đã có hợp đồng và chứng thực của UBND huyện, tuy nhiên giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSĐ) thửa đất này vẫn mang tên bà Ngọc (do chưa sang tên). Năm 2004, UBND xã Phù Hóa thỏa thuận với gia đình ông Sính đổi thửa đất nói trên để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông tuyến Trường Sơn-Long Châu.

Theo đó, UBND xã Phù Hóa đã lấy thửa đất của ông Sính làm đường giao thông và cấp đổi cho gia đình ông thửa đất số 303 và 304, tờ bản đồ số 5, với tổng diện tích 504m2 tại đồng Hà (thôn Long Châu). UBND xã cũng đã cam kết sẽ có trách nhiệm làm các thủ tục chuyển đổi và đề nghị UBND huyện Quảng Trạch cấp GCNQSD đất cho ông Sính.

Tuy nhiên, từ đó cho đến năm 2014, UBND xã Phù Hóa vẫn chưa hoàn thành  hồ sơ và các thủ tục liên quan trình cấp có thẩm quyền cấp GCNQSD đất cho ông Sính, mặc dù ông đã nhiều lần kiến nghị, thậm chí viết đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền từ cấp xã đến cấp huyện.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc bị tồn đọng kéo dài trên là do cán bộ địa chính xã Phù Hóa thời điểm đó (sau này đã bị kỷ luật khiển trách-PV) đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không hướng dẫn và tham mưu cho UBND xã làm các thủ tục cấp GCNQSD đất cho ông Sính.

Việc UBND xã Sen Thủy không thực hiện nghiêm túc và dứt điểm các kết luận thanh tra dẫn đến việc người dân tiếp tục chiếm đất trồng rừng trái phép gây bức xúc trong dư luận và có nhiều đơn thư gửi đến nhiều cấp.
Việc UBND xã Sen Thủy không thực hiện nghiêm túc và dứt điểm các kết luận thanh tra dẫn đến việc người dân tiếp tục chiếm đất trồng rừng trái phép gây bức xúc trong dư luận và có nhiều đơn thư gửi đến nhiều cấp.

Trong trường hợp này, không thể không đề cập đến vai trò của UBND xã Phù Hóa. Bởi, dù nhiều lần tiếp nhận được phản ánh, khiếu nại của ông Sính, nhưng UBND xã Phù Hóa đã thiếu cương quyết trong chỉ đạo, đôn đốc cán bộ để xử lý dứt điểm vụ việc.

Điều đáng nói, chính sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi đây đã khiến cho việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục cấp GCNQSD đất của ông Sính sau này gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể, vì tồn đọng trong một thời gian dài, nên các hồ sơ, biên bản liên quan đến vụ việc đổi đất của ông Sính đã bị thất lạc.

Cho đến năm 2015, khi khu vực đất được UBND xã Phù Hóa thỏa thuận đổi cho ông Sính được quy hoạch đất ở và phân lô đấu giá, thì hồ sơ cấp GCNQSD đất của ông Sính mới được UBND xã Phù Hóa tiếp tục xin ý kiến của cơ quan chuyên môn huyện để tiếp tục bổ sung, hoàn thành và trình lên UBND huyện cấp GCNQSD đất cho ông Sính.

Không chỉ thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết KN, TC của công dân, mà nhiều vụ việc mặc dù đã được chính quyền cấp trên có kết luận giải quyết nhưng chính quyền các địa phương ở cơ sở vẫn không nghiêm túc chấp hành, dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Điển hình như trường hợp người dân tố cáo ông Lê Văn Huy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sen Thủy; ông Nguyễn Văn Hiểu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sen Thủy; ông Lê Hữu Văn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Sen Thủy; ông Lê Hữu Biền, Trưởng thôn Nồm Bớc; ông Hồ Văn Xín, Bí thư thôn Nồm Bớc; ông Lê Văn Trí, Bí thư thôn Xóm Đồn, xã Sen Thủy và các ông Nguyễn Văn Thị, Lê Đức Minh, Lê Văn Hưng đã khai thác, bán rừng dự án 327 (nguồn gốc là rừng của Nhà nước) nhưng không nộp tiền vào ngân sách nhà nước; tự ý trồng lại cây trên diện tích đất đã khai thác rừng trồng mà không công khai.

Điều đáng nói, ngay từ năm 2010, UBND huyện Lệ Thủy ban hành nhiều kết luận thanh tra vụ việc và khẳng định tố cáo của người dân là đúng. Và UBND huyện này cũng đã yêu cầu UBND xã Sen Thủy phối hợp với các phòng, ban chuyên môn có liên quan đánh giá lại toàn bộ diện tích đất rừng trồng lại của 9 hộ dân nói trên để lập phương án phân chia cho các hộ dân trong thôn, đồng thời yêu cầu các hộ nộp lại số tiền đã khai thác rừng trồng theo dự án 327 để nộp vào ngân sách nhà nước.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, qua thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn xã Sen Thủy, UBND huyện Lệ Thủy cũng đã yêu cầu UBND xã Sen Thủy thực hiện việc đo đạc, kiểm kê lại toàn bộ diện tích đất rừng 327 để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, phương án phân chia cho các hộ dân theo đúng quy định.

Thế nhưng cho đến nay, chính quyền địa phương nơi đây vẫn chưa khắc phục sai phạm và giải quyết dứt điểm vụ việc, gây bức xúc trong dư luận. Không những thế, UBND xã Sen Thủy còn buông lỏng quản lý đất đai để nhiều trường hợp tiếp tục chiếm dụng đất rừng 327.

Qua những vụ việc điển hình nói trên, vấn đề đặt ra ở đây là chính quyền các địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở đã thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị, phản ánh, KN,TC của người dân?

Bởi trong thực tế, chính sự thiếu trách nhiệm, giải quyết chậm trễ, không đến nơi đến chốn của chính quyền các địa phương ở cơ sở, cùng với đó là hoạt động giám sát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận sau thanh, kiểm tra còn bị buông lỏng là một trong những nguyên nhân biến các vụ việc phát sinh ban đầu đơn giản trở nên phức tạp, bị tồn đọng suốt nhiều năm liền, gây nên bức xúc trong dư luận.

Dương Công Hợp

 

,