.

Giải đáp pháp luật

.
07:49, Thứ Năm, 23/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hỏi: Giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được công chứng và hợp đồng, giao dịch được chứng thực?

Trả lời:

1. Về hợp đồng, giao dịch được công chứng.

- Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản.

Theo đó, Điều 5 Luật Công chứng quy định:

1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.”

Điểm g Khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình.

2. Về hợp đồng, giao dịch được chứng thực.

Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực: Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”.

Khoản 2 Điều 8 Nghị định số Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực hoặc xuất trình khi làm thủ tục chứng thực theo quy định của Nghị định này.

3. Xuất phát từ sự khác nhau giữa giá trị pháp lý của văn bản công chứng, trách nhiệm của công chứng viên trong việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch và giá trị pháp lý của văn bản chứng thực, trách nhiệm của người yêu cầu chứng chứng đối với văn bản chứng thực Thông tư số 257/2016/TT-BTC, ngày 11-11-2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu phí công chứng được tính trên giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch (trừ việc công chứng hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng bảo lãnh; hợp đồng ủy quyền; giấy ủy quyền; việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không tăng giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng; công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch; di chúc; văn bản từ chối nhận di sản; hợp đồng, giao dịch khác) còn Thông tư số 226/2016/TT-BTC, ngày 11-11-2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu phí chứng thực hợp đồng, giao dịch 50.000.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.

Phòng Bổ trợ Tư pháp

(Sở Tư pháp Quảng Bình)

 

,