.

Lừa đảo xuất khẩu lao động, vì đâu nên nỗi?-Kỳ 1: Muôn kiểu "sập bẫy"!

.
08:32, Thứ Hai, 04/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thêm vào đó là sự nhẹ dạ cả tin, muốn được xuất khẩu lao động (XKLĐ) bằng mọi giá, mọi cách đã khiến cho không ít người dân ở nhiều vùng quê nghèo không những không thực hiện được giấc mơ “đổi đời”, trái lại còn bị mất trắng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng vì sập bẫy của “cò” môi giới XKLĐ.

XKLĐ bằng mọi giá, mọi cách...

Nhiều người dân đang trở thành nạn nhân của “cò” XKLĐ.
Nhiều người dân đang trở thành nạn nhân của “cò” XKLĐ.


XKLĐ đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống, kinh tế của nhiều gia đình, nhiều vùng quê. Sức hút của viễn cảnh giàu có đó đã khiến cho không ít gia đình, tìm mọi cách để cho con em mình được XKLĐ.

Phong trào XKLĐ bằng mọi giá, mọi cách nổi lên ở khắp các vùng quê nghèo. Chỉ cần quen biết được một người làm mối bất kể đó là ai, họ đều tin như điếu đổ và dốc hết tiền của, thậm chí cắm đất, cắm nhà vay ngân hàng, dốc sức đổ vào những “canh bạc” XKLĐ kiểu này.

Còn giới “cò” XKLĐ thì đường mật, ngon ngọt đánh trúng vào tâm lý của người dân nghèo cần việc, cần XKLĐ để giăng bẫy lấy tiền. Thế là từ đây nhiều người dân nghèo “sập” phải bẫy lừa của những dịch vụ “cò” lao động. Và khi họ tỉnh ngộ ra rằng mình đã sập bẫy, thì mọi chuyện đã trở nên quá muộn.

Cuối năm 2016, trong lúc tìm đường cho con trai đi XKLĐ ở Hàn Quốc, tình cờ có người mách bảo thông tin về Công ty TNHH-MTV Cường Việt Bắc có địa chỉ ở tận Nghệ An (có hẳn văn phòng đại diện tại xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới), anh H.N.L (ở thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa) liền tìm đến đây nhờ tư vấn làm hồ sơ. Không phải là anh không cẩn thận, mà trước đó anh đã vào mạng Internet để tìm kiếm thông tin về công ty này và thấy có dịch vụ XKLĐ.

Vì trước đó mấy năm, thông qua một người môi giới XKLĐ ở ngoài Bắc, cũng đứa con trai này của anh đã dính phải quả lừa XKLĐ sang Singapore, mất hơn 100 triệu đồng. Trở về nhà được mấy tháng, nhưng giấc mơ XKLĐ vẫn không ngừng thôi thúc anh bằng mọi cách đưa con đi XKLĐ cho bằng được. Đang trong lúc cần cho con trai đi XKLĐ ở Hàn Quốc, anh đã tìm đến văn phòng đại diện của công ty này nhờ tư vấn giúp đỡ làm hồ sơ.

Không khó để anh  H.N.L có được số điện thoại của người được cho là giám đốc của công ty là ông Phan Đình Chính, nghe nói là ở Nghệ An để nghe tư vấn thêm. Mọi liên hệ, trao đổi giữa anh và vị giám đốc này đều qua điện thoại cho đến khi mang tiền đến đặt cọc, anh vẫn chưa từng gặp và nhìn thấy mặt ngang mũi dọc của ông giám đốc này.

Anh kể, dù chỉ gặp qua điện thoại, nhưng anh đã đặt hết niềm tin vào đây. Bởi theo anh, đã làm dịch vụ đưa người XKLĐ sang Hàn Quốc, nghĩa là con đường này là hợp pháp và do nhà nước tổ chức. Hơn nữa, công ty có văn phòng đóng trên địa bàn tỉnh hẳn hoi, thế thì làm sao mà họ dám lừa đảo được, anh nghĩ vậy. Không chút đắn đo, theo yêu cầu của ông giám đốc này, vợ chồng anh H.N.L lặn lội từ thị trấn Đồng Lê mang 71 triệu đồng về văn phòng công ty ở xã Lộc Ninh trao tận tay cho ông giám đốc.

Với các bản “cam kết” này nhiều người dân đã dễ dàng mắc vào “tròng” lừa đảo của các công ty XKLĐ. 	Tải
Với các bản “cam kết” này nhiều người dân đã dễ dàng mắc vào “tròng” lừa đảo của các công ty XKLĐ. Tải

Một bản cam kết, thỏa thuận giữa 2 bên được thiết lập, với các nội dung cơ bản như: sẽ đưa người xuất cảnh sang lao động ở Hàn Quốc để lao động trong thời gian 5 năm, mức lương khởi điểm là 1.600 USD (tương đương hơn 35 triệu đồng).

Còn việc học và thi tiếng, sẽ được “bao trọn gói”, có nghĩa là công ty sẽ can thiệp và lo toàn bộ. Thế thì quá thuận lợi, nếu như không nói rằng đó là một sự may mắn hiếm có. Ông giám đốc này còn đánh tiếng, nếu không thực hiện được các cam kết, sẽ hoàn trả lại số tiền mà anh H.N.L đã đặt cọc sau khi hết thời hạn cam kết.

Mọi công đoạn làm hồ sơ, thủ tục xuất cảnh, học và thi tiếng nhanh gọn không ngờ. Một thời gian sau, khi công ty báo có lịch thi tiếng Hàn, anh H.N.L dẫn con vào Đà Nẵng để thi. Thế nhưng, ngày báo kết quả thi, tìm đỏ mắt, con anh cũng không có tên trong danh sách trúng tuyển. Mãi cho đến khi thời hạn cam kết sắp hết, vợ chồng anh mới cuống cuồng, hết gọi điện, rồi tìm đến văn phòng công ty để đòi lại tiền, nhưng không hề thấy bóng dáng ông giám đốc ở đâu.

Sau hơn một năm trời ròng rã tìm mọi cách liên lạc với ông giám đốc mà không được, giờ đây tấm biển hiệu của văn phòng công ty này cũng không còn, anh mới ngậm ngùi biết mình đã bị lừa. “Đằng mô cũng mất rồi. Mình dại thì mình chịu thôi. Đơn thư mình đã gửi hết công an huyện đến công an tỉnh, nhưng họ đều trả lời rằng không đủ căn cứ để khởi tố”, anh L. ngậm ngùi than thở.

Tiền mất, tật mang

Với nhiều người, XKLĐ trở thành nhu cầu bức thiết cho cuộc mưu sinh. Những thông tin về các “đường dây” môi giới XKLĐ được họ rỉ tai nhau, rồi chủ động tìm đến như một cứu cánh, mà không qua kiểm chứng ở một cơ quan chức năng nào.

Mong muốn được đi XKLĐ nhanh gọn mà không phải mất công sức nào để thực hiện các thủ tục cần thiết, cùng với sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và cả những lời hứa hẹn “bao trọn gói”, đã khiến cho họ dễ dàng rơi vào cái bẫy đã giăng sẵn của giới “cò” XKLĐ. Tiền mất, tật mang, đó là hệ lụy mà người dân ở nhiều vùng quê nghèo đang phải chịu đựng.

Nếu như trường hợp của anh H.N.L (ở thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa) còn có cơ sở để tin vào một công ty làm dịch vụ XKLĐ, thì trường hợp của ông N.T.C ở thị trấn Nông trường ViệtTrung, huyện Bố Trạch lại rơi vào một cuộc lừa đảo ngoạn mục khác.

Mọi giao dịch, cam kết đưa người đi XKLĐ giữa ông và người môi giới này đều “bằng miệng”. Thậm chí lúc giao nhận tiền cũng chỉ có vẻn vẹn một tờ giấy thu tiền do 2 bên lập ra với vài dòng ngắn ngủi chỉ thể hiện tên tuổi, số tiền.

Ông N.T.C kể rằng, năm 2013, vợ ông có nhu cầu muốn đi XKLĐ ở nước ngoài. Không biết thông tin từ đâu mà vợ ông biết ông Nguyễn Khắc H. ở xã Đại Trạch (Bố Trạch) có “đường dây” XKLĐ. Tìm đến nhà ông H., vợ chồng ông lại được ông H. “rót mật” vào tai rằng, “đường dây” XKLĐ sang Úc của ông là đường dây của Bộ Công an, do vậy chỉ phải làm một số thủ tục cơ bản thôi, mà không cần phải mất thời gian học tiếng và thi cử gì cả.

Để “lót đường”, ban đầu ông C. đưa cho ông H. 150 triệu đồng và nhờ ông H. giúp đỡ. Một thời gian sau, ông H. liên hệ bảo đã có visa và bảo ông cầm xuống tiếp 150 triệu đồng nữa, với lý do vì nhiều người đăng ký đi quá, ai nộp 150 triệu đồng thì phải đi sau. Muốn đi trước phải đặt thêm 150 triệu đồng nữa. Không một chút nghi ngờ, vợ chồng ông N.T.C đưa cho ông H thêm 150 triệu đồng nữa.

Thế nhưng, sau khi “đút túi” trọn gói 300 triệu đồng của ông C., ông H. vẫn không thực hiện được lời hứa đưa người đi XKLĐ ở Úc. Mấy lần ông C. xuống nhà ông H. để đòi tiền nhưng cũng không thể đòi tiền được, mà chỉ được ông H. viết cho cái giấy “khất nợ” (trong giấy này, ông H. có hứa đến ngày 15-2-2015 sẽ trả nhưng đến nay vẫn chưa trả-PV).

Chuyện chưa dừng lại ở đó, khi chưa kịp rút chân ra khỏi cái bẫy của ông H., gia đình ông C. lại thêm một lần nữa rơi vào một cái bẫy của Công ty TNHH-MTV Cường Việt Bắc. Ông C. kể tiếp, sau vụ bị mắc lừa ông H., ông và vợ ông chỉ còn muốn đòi lại tiền chứ không nghĩ đến XKLĐ hay gì gì khác nữa.

Chỉ vẻn vẹn một tờ giấy thu tiền người dân đã dính phải bẫy lừa của những người môi giới XKLĐ.
Chỉ vẻn vẹn một tờ giấy thu tiền người dân đã dính phải bẫy lừa của những người môi giới XKLĐ.

Cuối năm 2016, ông tình cờ biết ông Phan Đình Chính, khi nghe chuyện kể trên, ông Chính hứa sẽ nhờ công an đòi lại tiền cho ông và những người khác (vì ông Chính nói quen biết công an-PV). Thế là, chúng tôi, cả thảy có 7 người bị ông H. lừa cùng nhau làm đơn tập thể gửi công an huyện, công an tỉnh.

Đúng lúc đó, ông Chính giới thiệu là vừa mới mở văn phòng đại diện ở xã Lộc Ninh (TP.Đồng Hới) chuyên cung ứng lao động trong nước và ngoài nước. Mà đúng là ông Chính có mở văn phòng thật. Chính ông C. đã xuống coi văn phòng. Rồi cũng chính ông C., sau khi nghe lời ông giám đốc công ty này đường mật về các đường dây XKLĐ sang Ba Lan, Tiệp-Khắc, một lần nữa đưa cho ông Chính 22 triệu đồng để lo cho con gái của mình đi XKLĐ. Một tháng, 2 tháng, rồi 3 tháng trôi qua, ông Chính cùng số tiền 22 triệu đồng của ông C. cũng biến mất.

Cũng như trường hợp của anh H.N.L (ở thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa), ông C. đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an đề nghị xem xét giải quyết để đòi lại tiền. Thế nhưng sau một thời gian, ông C. cũng chỉ nhận được thông báo, chưa có đủ căn cứ để xác định đây là vụ việc hình sự hay là quan hệ giao dịch dân sự; chưa có đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp vì theo đuổi giấc mơ XKLĐ mà sập phải bẫy của bọn “cò” XKLĐ. Và trong khi các cơ quan chức năng vẫn không đủ cơ sở để giải quyết những vụ việc này theo quy định của pháp luật, thì giới “cò” mồi vẫn tiếp tục lộng hành và nhiều người dân lại không may sập bẫy(?!).

Dương Công Hợp

Kỳ 2: "Cò" môi giới vẫn lộng hành?!

 


 

,