.

Tiền ảo-cảnh báo tiềm ẩn rủi ro

.
08:31, Thứ Ba, 15/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp. Mặc dù có không ít cảnh báo rủi ro từ các cơ quan chức năng đã được đưa ra, thế nhưng qua tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh ta vẫn xuất hiện các hình thức đầu tư, huy động vốn đầu tư mua tiền ảo để kiếm lời.

Anh L. là một công chức nhà nước, thế nhưng sự hấp dẫn từ các khoản siêu lợi nhuận của các đồng tiền ảo (hay còn gọi là tiền điện tử) mang lại, đã khiến anh đầu tư không ít tiền của, công sức vào các sản giao dịch, đầu tư tiền ảo. Cứ hết giờ hành chính anh lại lao vào các cuộc “đào” Bitcoin và các đồng tiền ảo khác qua mạng.

Trên cơ sở các thông tin lượm nhặt được, anh tự tổng hợp phân tích, rồi tự quyết định tham gia đầu tư tiền mua hay không. Dù mới tham gia các sàn giao dịch đầu tư “chơi” tiền ảo, nhưng anh cũng đã kiếm không ít tiền từ đây. Thấy anh đầu tư vào các đồng tiền ảo “dễ ăn”, một số người quen biết cũng góp tiền nhờ anh mua tiền ảo đầu tư cùng.

Anh L. cho hay: “Trước đây, khi chưa biết cách chơi, mình chơi hội đồng và cùng tham gia góp vốn rồi nhờ một người bạn quen biết chơi, tiền lãi mình nhận. Giờ thì mình lập tài khoản chơi độc lập rồi. Hiện tại mình đang chơi đầu tư theo lãi ngày”. Thế nhưng, khoảng vài tháng gần đây, từ khi các đồng tiền ảo rớt giá, anh L. đành phải bán tống, bán tháo để thu hồi vốn.

Đã có không ít cảnh báo rủi ro về mặt kinh tế cũng như pháp lý khi tham gia đầu tư Bitcoin và các loại tiền “điện tử” qua mạng được đưa ra. Tuy nhiên, những món lợi nhuận “khủng” từ việc “lướt sóng” đầu tư Bitcoin vẫn được nhiều người lựa chọn. Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, trên địa bàn Quảng Bình, việc “đào”, đầu tư vào các loại tiền ảo như Bitcoin, Onecoin... bắt đầu có xu hướng gia tăng.

Đầu tư vào Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đầu tư vào Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các loại tiền ảo này là một dạng tiền kỹ thuật số, không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính nào, mà được tạo ra và vận hành dựa trên các hệ thống máy tính kết nối mạng Internet ngang hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự xuất hiện của Bitcoin và các lại tiền ảo tương tự khác đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng. Bởi các giao dịch bằng các loại tiền ảo này có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp. Đây là những đồng tiền được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu, hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.

Giá trị của các loại tiền ảo này thường biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào các loại tiền ảo này ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn thiệt hại cho nhà đầu tư. Ngoài ra, các loại tiền ảo này không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó người sở hữu, sử dụng sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ.

Ông Hiếu cảnh báo: “Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Do vậy, việc sử dụng các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác”.

Thiếu tá Trần Đình Vỹ, Đội trưởng Đội an ninh kinh tế-xây dựng-công nghiệp và thương mại (Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh) cho biết, từ cuối năm 2016, sau khi có thông tin rộ lên về hoạt động đầu tư các loại tiền ảo trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an đã triển khai công tác trinh sát, nắm tình hình. Qua nắm bắt, công an đã bước đầu xác định có nhiều người dân mốc nối, giao dịch với một số người ở ngoại tỉnh, hoặc người quen thân ở nước ngoài đầu tư vào các loại tiền ảo để kiếm lợi.

Tuy nhiên, so với các tỉnh thành trong cả nước, các hoạt động này trên địa bản tỉnh còn mang tính cá nhân hoặc một vài cá nhân nhỏ, lẻ. Hiện chưa có một tổ chức, cá nhân nào phản ánh đến cơ quan chức năng về thiệt hại. Và cũng chính vì mang tính cá nhân nhỏ, lẻ nên để đấu tranh, ngăn chặn cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, muốn đấu tranh, ngăn chặn và xử lý phải có đơn trình báo, hoặc phải có dấu hiệu, hành vi cụ thể mới có cơ sở truy xét.

Hiện đơn vị đang phối hợp với một số đơn vị liên quan để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt thông tin phục vụ cho việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nếu có dấu hiệu lừa đảo xảy ra. Bên cạnh đó, đơn vị đang tiến hành xây dựng các văn bản tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh và chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhằm cảnh giác với các hoạt động này.

Cũng theo thiếu tá Trần Đình Vỹ, liên quan đến hoạt động kêu gọi và huy động tài chính theo phương thức đa cấp, cũng trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến năm 2017, qua nắm bắt thông tin, công an đã phối hợp với Sở Công thương phát hiện và ngăn chặn 4 vụ tổ chức huy động tài chính để lừa đảo, do các công ty ngoại tỉnh đến tổ chức tại các khách sạn trên địa bàn.

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, ngày 11-4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có Công văn số 641/UBND-KTTH, ngày 4-5-2018, về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình tăng cường công tác điều tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 1-1-2018, các hành vi nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 206, Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo Công văn số 641/UBND-KTTH, ngày 4-5-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, cũng yêu cầu: UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.

D.C.H

   





 

,