.
Hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông:

Yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm

.
08:26, Thứ Tư, 17/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Qua kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi của các tổ chức được cấp phép và việc lập bến bãi tập kết, phương tiện khai thác, vận chuyển trên địa bàn tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hàng loạt sai phạm.

Trên cơ sở tổ chức kiểm tra hoạt động của 14/23 mỏ cát, sỏi lòng sông được cấp phép khai thác trên một số tuyến sông chính, như: sông Gianh, sông Long Đại và sông Kiến Giang; việc vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát sỏi lòng sông trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều vi phạm.

Một bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn huyện Quảng Trạch.
Một bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn huyện Quảng Trạch.

Hộ kinh doanh Hoàng Văn Lưu và Công ty TNHH VLXD Phú Hà chưa ban hành quyết định phê duyệt thiết kế mỏ theo quy định, vi phạm quy định tại Điều 61 Luật khoáng sản. Công ty TNHH Hùng Cường, Công ty TNHH Đức Toàn, hộ kinh doanh Hoàng Văn Lưu, Công ty TNHH Lê Minh Quyết, Công ty TNHH VLXD Phú Hà, Công ty XD Lương Ninh, Công ty TNHH XD Ngô Anh Tuấn và Công ty TNHH TMVT Hiền Ninh thực hiện việc cắm mốc chưa bảo đảm theo đúng quy định, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 36 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Công ty TNHH KT-KT-XD Hoàng Gia, Công ty TNHH XD Lương Ninh, Công ty TNHH VLXD Phú Hà và hộ kinh doanh Hoàng Văn Lưu chưa thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ đúng và đầy đủ về tần suất, vị trí, thông số giám sát môi trường đã vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 26 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.

Có 34 tổ chức, cá nhân lập bến, bãi tập kết vật liệu nằm ngoài khu vực quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bến bãi không được cấp phép hoạt động, không được thuê đất theo đúng quy định. Các hành vi này đã vi phạm về xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Đê điều; 53 tổ chức, cá nhân để vật liệu trên bãi sông mà chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Mục g, khoản 1, Điều 25 Luật Đê điều.

Cùng với đó, các cá nhân, tổ chức đã sử dụng đê, kè bảo vệ đê làm nơi neo đậu tàu thuyền, bè mảng mà chưa được cấp phép theo quy định tại Mục đ, khoản 1, Điều 25 Luật Đê điều.

Điều đáng nói, có đến 29 tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh và 34 tổ chức, cá nhân kinh doanh cát, sỏi không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc không hợp pháp đã vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 6 và Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng; 69 phương tiện vận chuyển cát, sỏi chưa có giấy phép điều khiển phương tiện.

Trong đó, có 51 phương tiện tàu, thuyền chưa được đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định hoặc đã đăng ký đăng kiểm nhưng tại thời điểm kiểm tra đã hết hạn, vi phạm quy định tại khoản 5, Điều 11 và khoản 2, Điều 16 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi. Đó là Chưa có các thiết bị theo dõi khối lượng cát đã khai thác nhập vào kho bãi và xuất bán. Vì vậy, không thống kê, kiểm soát được khối lượng cát đã khai thác vượt công suất.

Mặt khác, công tác quản lý, xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc nhất là cát, sỏi chưa được quan tâm đúng mức, do vậy, khối lượng cát có nguồn gốc không hợp pháp dễ dàng tiêu thụ góp phần thúc đẩy nạn khai thác cát, sỏi trái phép.

Chưa quản lý được việc kinh doanh, vận chuyển cát khai thác tại các khu vực nhiễm mặn hoặc có nguy cơ nhiễm mặn được cấp phép khai thác để phục vụ san lấp, nhưng chủ đầu tư cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng; phương án bảo đảm an toàn đường thủy chưa quy định rõ cơ quan thẩm định và cấp phép nên gây khó khăn cho các tổ chức đơn vị trong quá trình thực hiện.

Đối tượng khai thác, lập bến bãi, kinh doanh cát, sỏi trái phép, chủ yếu là các hộ dân có truyền thống  làm nghề khai thác cát, sỏi hoặc đánh bắt tôm cá trên sông, nay chuyển sang khai thác cát, sỏi để kiếm sống. Cùng với đó, các hộ này phần lớn không được giao đất sản xuất nông nghiệp hoặc có đất nhưng diện tích đất sản xuất không bảo đảm ổn định đời sống.

Mặc dù đã bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng vẫn tái phạm. Bên cạnh đó, do việc xử lý vi phạm ở một số địa phương còn chưa nghiêm, thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe hoặc do không có kho bãi, nơi cất giữ tang vật, phương tiện vi phạm sau khi tạm giữ, tịch thu nên rất khó để ngăn chặn, xử lý triệt để việc khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển cát, sỏi trái phép.

Từ kết quả kiểm tra nêu trên, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác, mua bán cát, sỏi trái phép tránh thất thu thuế tài nguyên. 

Theo đó, yêu cầu hộ kinh doanh Hoàng Văn Lưu; Công ty TNHH VLXD Phú Hà phải ban hành quyết định phê duyệt thiết kế mỏ theo quy định; Công ty TNHH Hùng Cường, Công ty TNHH Đức Toàn, hộ kinh doanh Hoàng Văn Lưu, Công ty TNHH Lê Minh Quyết, Công ty TNHH VLXD Phú Hà, Công ty XD Lương Ninh, Công ty TNHH XD Ngô Anh Tuấn và Công ty TNHH TMVT Hiền Ninh phải thực hiện cắm mốc các điểm khép gốc theo đúng tiêu chuẩn quy định; Công ty TNHH KT-KT-XD Hoàng Gia, Công ty TNHH XD Lương Ninh, Công ty TNHH VLXD Phú Hà và hộ kinh doanh Hoàng Văn Lưu phải thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ đúng và đầy đủ về tần suất, vị trí, thông số giám sát môi trường theo quy định. Thời hạn đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu các đơn vị trên phải khắc phục các sai phạm là trước ngày 30-1-2018 và quá thời hạn nêu trên nếu không khắc phục sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến những tồn tại hạn chế của các đơn vị được UBND tỉnh cấp phép nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra và đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khắc phục theo quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương,  Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh,  Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh thực hiện một số nội dung cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác, mua bán cát, sỏi trái phép tránh thất thu thuế tài nguyên. 

Một điểm khai thác cát trái phép trên sông Gianh.
Một điểm khai thác cát trái phép trên sông Gianh.

Riêng đối với UBND huyện Quảng Trạch, UBND huyện Quảng Ninh và UBND thị xã Ba Đồn, cần tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp đã hoạt động khoáng sản trái quy định pháp luật do Đoàn kiểm tra liên ngành chuyển cho UBND huyện xử lý.

Đồng thời, giám sát việc thực hiện của các hộ gia đình, cá nhân về yêu cầu chấm dứt việc kinh doanh cát, sỏi trái phép; tổ chức xử lý trách nhiệm người đứng đầu UBND các xã đã để xảy ra tình trạng khai thác, lập bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trái phép trên địa bàn trong thời gian dài mà không xử lý. 

Trên cơ sở kiến nghị trên của Đoàn kiểm tra liên ngành, để tăng cường công tác quản lý và kịp thời chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, ngày 9-1-2018, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 33/UBND-TNMT về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung mà đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị, đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 31-3-2018.

Bùi Thành

 

,