.
Ký sự pháp đình:

Khi bố dạy con nói dối!

Thứ Sáu, 02/12/2016, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Thật thà, không dối gian, không lừa gạt là một trong những đức tính đầu tiên mà bất kỳ người làm cha làm mẹ nào khi dạy con từ thuở ấu thơ đều hướng đến. Vậy mà vẫn có những bậc sinh thành chỉ vì sự ích kỷ cá nhân hay vì một chút háo thắng, đố kỵ lại vô tình dạy cho con trẻ sự dối trá, sống khác với suy nghĩ, tình cảm của mình.

 

Phiên tòa ly hôn diễn ra mới đây thật buồn, không chỉ bởi sự chia ly, sự mất mát tình thương của những đứa trẻ, mà còn bởi người lớn đã tạo cho chúng những hình ảnh xấu, tác động không nhỏ đến tâm sinh lý tuổi trưởng thành sau này.

Chị Minh và anh Đoàn (Minh Hóa), đều sinh năm 1984, kết hôn với nhau từ năm 2007. Thuở ban đầu, anh chị sống với nhau hạnh phúc, ấm êm bên 2 người con chăm ngoan, học giỏi. Nhưng rồi những mâu thuẫn trong cuộc sống không thể giải quyết đã khiến cuộc hôn nhân của anh chị ngày càng đi vào ngõ cụt.

Nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn, không thể tiếp tục chung sống hòa hợp, chị Minh đã làm đơn đến Tòa án xin được ly hôn với anh Đoàn. Về con chung, theo nguyện vọng của chị, cả hai cháu An và Nhiên đều ở với mẹ, chị chỉ yêu cầu anh mỗi tháng cấp dưỡng nuôi con là 500 nghìn đồng/cháu. Anh Đoàn cũng thống nhất với yêu cầu của chị Minh, tuy nhiên, anh có nguyện vọng nuôi cháu lớn là An sinh năm 2008, còn cháu Nhiên nhỏ tuổi hơn sinh năm 2012 do chị Minh chăm sóc.

Tòa án nhân dân huyện công nhận sự thuận tình ly hôn giữa hai anh chị, áp dụng Điều 81, 82 và 83 của Luật Hôn nhân gia đình để giao cả hai cháu cho chị Minh chăm sóc. Anh Đoàn có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp tiền nuôi con với mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng cho đến lúc các cháu đủ 18 tuổi.

Tuy nhiên, ngay sau đó, anh Đoàn đã kháng cáo, cho rằng việc Tòa phúc thẩm giao cả hai cháu cho mẹ chăm sóc là chưa xem xét đúng nguyện vọng của anh sau khi ly hôn. Anh yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét cho anh được nuôi cháu An, cháu cũng có đơn gửi trình bày nguyện vọng được sống với bố. Tòa phúc thẩm xét thấy, mặc dù cả anh Đoàn và chị Minh đều có nguyện vọng chăm sóc, nuôi dưỡng con chung, nhưng việc giao con cho ai trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con trẻ và phải xem xét nguyện vọng của con.

Tại phiên tòa phúc thẩm, cháu An đã trình bày rằng, đơn cháu viết đề đạt nguyện vọng xin ở với bố là do bố ép cháu viết như vậy. Vì sợ, nên cháu viết theo ý của bố. Tại phiên tòa, cháu xin thay đổi ý kiến, vì cháu vẫn cần mẹ chăm sóc khi tuổi còn nhỏ.

Tòa phúc thẩm xét thấy cháu An đã trên 7 tuổi, nguyện vọng của cháu trình bày tại phiên tòa là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của cháu, không có ai ép buộc. Do đó, tòa không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của anh Đoàn và tuyên giữ nguyên án sơ thẩm về quan hệ con chung.

Từ một cuộc ly hôn nhẹ nhàng, êm thấm, tưởng như sẽ không gây chấn động nhiều cho con trẻ, bỗng chốc lại ồn ào, xáo động và lôi cả các con vào cuộc chiến pháp lý hậu ly hôn. Cũng thật khó trách người cha bởi tình yêu thương con là vô hạn, ai cũng muốn được chăm sóc, nuôi dưỡng giọt máu của chính mình.

Nhưng, thật đáng trách là, thay vì chấp nhận hy sinh tình cảm bản thân để con cái được yên bình thì người cha lại ép con mình nói dối, làm điều mà cháu không hề thích và chỉ làm vì khiếp sợ. Phiên tòa kết thúc, nhưng trong tâm trí con trẻ nó mãi mãi chẳng thể nào nguôi ngoai. Hình ảnh đứa trẻ lên 8 ngây thơ trả lời câu hỏi của Tòa với sự lo lắng, sợ hãi sẽ luôn là nỗi ám ảnh với những bậc làm cha làm mẹ chân chính.

Quảng Hạ

----------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi