.
Ký sự pháp đình:

Ngôi nhà bốn năm chưa hoàn thiện

Thứ Sáu, 25/11/2016, 14:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Xây nhà là một trong những việc trọng đại của đời người, vì lẽ đó, ai ai cũng bỏ ra biết bao công sức, tâm huyết, mồ hôi, nước mắt. Và một khi đã bắt tay vào kế hoạch làm nhà, chắc hẳn ai cũng muốn nhanh chóng hoàn thành để được sống trong chính ngôi nhà mình xây dựng nên. Nhưng, đó chỉ là mong muốn, bởi trên thực tế vẫn còn rất nhiều vụ tranh chấp kéo dài khiến không chỉ thời gian hoàn thiện tổ ấm bị kéo dài, mà còn dẫn đến bao hệ lụy pháp lý và niềm vui, hạnh phúc cũng vơi đi ít nhiều.

 

Năm 2012, ông Mai tiến hành xây dựng nhà ở của gia đình và đã ký hợp đồng với anh Việt về các thiết bị gỗ để lắp đặt cho ngôi nhà của mình, bao gồm: khung ngoại các loại với giá 490 nghìn đồng/m, cửa mặt tiền với giá 2,5 triệu đồng/m2, cửa sổ, cửa phòng, ô gió có giá 2 triệu đồng/m2, chủng loại gỗ sử dụng là gỗ lim.

Ngoài hợp đồng này, ông Mai và anh Việt còn có hợp đồng bằng miệng để đóng các thiết bị khác, như: nẹp viền tầng 1 và 2 với giá 30 nghìn đồng/m, 1 tủ bếp 2 tầng bằng gỗ dỗi, gỗ sao với giá 13 triệu đồng, 1 tủ rượu bằng gỗ dỗi và kính với giá 3 triệu đồng, 1 bộ bàn ghế salon Á Âu 13 món bằng gỗ gõ với giá 40 triệu đồng.

Cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện ngôi nhà, anh Việt đã đưa các thiết bị gỗ đến lắp đặt đầy đủ theo thỏa thuận từ năm 2012. Tuy nhiên, ông Mai đã phát hiện một số thiết bị gỗ anh Việt không thực hiện đúng theo hợp đồng.

Cụ thể, 2 thanh khung ngoại không phải được làm bằng gỗ lim cho nên hiện nay đã bị mọt nhiều lỗ, các nẹp viền khung ngoại lẽ ra phải bằng gỗ dỗi nhưng đã bị pha gỗ tạp, tủ bếp và tủ rượu đóng không đúng quy cách, mẫu mã như hai bên đã thỏa thuận.

Đồng thời, khi tiến hành thanh toán, anh Việt đã tự ý nâng giá một số thiết bị cao hơn so với hợp đồng, như: bộ salon thỏa thuận 40 triệu thì nâng lên thành 45 triệu, giá của ô gió, nẹp, khung ngoại, cửa sổ đều tăng so với mức ban đầu. Ông Mai không đồng ý với tính toán như trên của anh Việt và yêu cầu phải tính giá theo hợp đồng thỏa thuận hai bên, nhưng anh Việt không đồng ý.

Do không thống nhất về giá cả, sau khi bàn giao bộ salon cho ông Mai sử dụng một thời gian, anh Việt đã cho người đến chở về và hiện đang quản lý bộ salon này. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nhà cửa, ông Mai đã đã giao cho anh Việt 2 thanh băng lim cũ đã qua sử dụng để anh Việt làm lại có giá 15 triệu đồng, nhưng anh Việt chỉ tính giá 7,7 triệu đồng. Anh Việt đã ứng gần 240 triệu đồng từ ông Mai trong quá trình lắp đặt thiết bị gỗ.

Ông Mai đã làm đơn gửi đến Tòa án khởi kiện anh Việt và yêu cầu phải tháo dỡ, nhận lại toàn bộ số nẹp đã đóng tại nhà ông, phải thanh toán 2 băng lim theo giá 15 triệu đồng, xem xét tất toán hợp đồng với đơn giá theo đúng thỏa thuận của hợp đồng.

Phía anh Việt thì cho rằng, anh không đồng ý nhận lại toàn bộ số nẹp vì anh đã làm theo đúng thỏa thuận, anh chỉ chấp nhận sửa chữa những thanh bị mối mọt. Hai thanh băng lim anh tính giá 7,7 triệu đồng vì trong đó có tiền công làm lại của anh là 500 nghìn đồng, vì vậy hai thanh này chỉ có giá 7,2 triệu đồng, anh yêu cầu ông Phúc phải bồi thường cho anh 5 triệu đồng tiền đã sử dụng bộ salon.

Tòa án cấp sơ thẩm đã lập hội đồng thẩm định và hợp đồng định giá tài sản, theo đó, tổng giá trị hợp đồng mua bán mà anh Việt lắp đặt tại nhà ông Mai là hơn 223 triệu đồng, anh Việt đã nhận 236 triệu đồng.

Tòa án sơ thẩm quyết định buộc anh Việt trả lại số tiền dư là gần 20 triệu đồng và có trách nhiệm sửa lại số nẹp viền bị hư hại. Ngay sau đó, anh Việt có đơn kháng cáo cho rằng tòa sơ thẩm xét xử chưa toàn diện chứng cứ, không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình anh, đồng thời dẫn chứng thêm 4 khoản ông Mai gây thiệt hại với số tiền gần 30 triệu đồng.

Cuối tháng 8 năm 2015, Tòa phúc thẩm xét thấy việc cấp sơ thẩm áp dụng giá theo hợp đồng đang tranh chấp giữa các đương sự là không bảo đảm sự đúng đắn về quyền lợi của các đương sự, mà chỉ chấp nhận giá thực tế tại thời điểm lắp đặt. Tòa phúc thẩm quyết định tổng giá trị của các hợp đồng gia công đặt hàng mà anh Việt đã lắp đặt tại nhà ông Mai là gần 232 triệu đồng, anh đã nhận 236 triệu đồng, vậy buộc anh Việt trả lại cho ông Mai số tiền thừa là hơn 4 triệu đồng.

Vậy là để có ngôi nhà tổ ấm, ông Mai mất một khoảng thời gian rất dài để hoàn thiện, kéo theo biết bao sự bất tiện trong sinh hoạt và cả sự mệt mỏi, thất vọng. Do đó, đối với việc trọng đại như xây dựng nhà cửa, trong bất kỳ trường hợp nào, các bên liên quan cần hết sức tỉnh táo, ký kết hợp đồng với các điều khoản ràng buộc chặt chẽ, đồng thời luôn luôn đề cao sự kiểm tra, giám sát giữa đôi bên để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ nhưng vẫn bảo đảm tính chất lượng và thẩm mỹ.

Quảng Hạ

------------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi