.

Cần có biện pháp ngăn chặn việc chiếm đất để trồng rừng

.
18:20, Thứ Ba, 01/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ đầu năm 2011 đến nay nhiều người dân ở thôn Bồng Lai I và Bồng Lai II, xã Hưng Trạch, Bố Trạch tự động đến chặt cây, phát rừng, chiếm hơn 70 ha đất của Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai, thuộc Công ty LCN Bắc Quảng Bình đã gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị này.

Sau khi nhận được thông tin xảy ra vụ việc chiếm đất của Lâm trường Bồng Lai, nhóm phóng viên Báo Quảng Bình đã có mặt tại hiện trường, tiếp xúc với các hộ dân và qua hồ sơ xử lý của lâm trường được biết, liên tục từ đầu năm 2011đến nay, người dân thôn Bồng Lai I và Bồng Lai II, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch đã vào khai phá rừng ở khu vực rừng Lục Cục, tiểu khu 248A, dọc đường 78 do Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai quản lý để chặt cây, đốt rừng chiếm đất. Tại khu vực này người dân đã tiến hành trồng sắn, lúa rẫy và trồng keo... Mâu thuẫn của người dân lấn chiếm đất và chủ rừng càng sâu hơn khi ngày 12- 10- 2011, chủ rừng đã thành lập đoàn kiểm tra lên ngăn cản không cho dân tiếp tục trồng keo đồng thời nhổ số keo mà người dân đã trồng trước đó.

Ông Nguyễn Chiến Sự, Trưởng thôn Bồng Lai II cho biết, thời gian vừa qua có nhiều hộ dân trong thôn tự động vào các khu rừng nghèo của lâm trường để chặt cây, đốt rẫy để trồng keo và hoa màu. Thôn Bồng Lai II có 131 hộ dân với 598 khẩu, đời sống của bà con hết sức khó khăn khi chỉ có 11,1ha đất trồng lúa và hoa màu. Bình quân một khẩu chỉ được 183m2 đất; 17 kg lương thực/tháng tính theo đầu người; mỗi năm dân thiếu ăn 5 đến 7 tháng.

Từ trước đến nay, dân sống dựa vào rừng để có thêm thu nhập hàng ngày.  Ngay từ năm 1997, dân của hai thôn Bồng Lai I và II có đề xuất với các cấp, các ngành và lâm trường giao cho họ một phần đất rừng để họ có điều kiện cải thiện đời sống nhưng chưa được chấp thuận. Cho đến đầu năm 2011, thấy phía lâm trường khai quang, thì có 30 hộ dân đã lên khai phá với diện tích khoảng 60 ha trồng lúa rẫy, sắn và trồng keo và thôn Bồng Lai I khoảng 20 hộ với hơn 10 ha, tổng cộng trên 70ha. Chính quyền thôn biết như vậy là sai, nhưng không thể ngăn cản được hành động tự phát nàycủa bà con.

Ngày 12- 10- 2011, sau nhiều lần tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Bồng Lai I và II không được lấn chiếm, khai phát rừng, trồng keo... không thành, Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai, Công ty TNHH một thành viên LCN Bắc Quảng Bình đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành ngăn chặn và nhổ keo của các hộ dân trồng trước đó. Số diện tích keo bị nhổ thuộc 7 hộ với khoảng trên 13.000 cây. Anh Nguyễn Văn Sơn, người bị mất khoảng 3000 cây keo cho biết: "Chúng tôi biết vào khai phá, trồng keo trên diện tích đất của lâm trường là sai, nhưng cách xử lý của phía lâm trường trong ngày 12- 10 còn nhiều điều chưa hợp lý, hợp tình".

Hoàng Văn Hợp, bị nhổ hết 2.000 cây keo tha thiết: "Bà con mong phía lâm trường hỗ trợ lại cho dân phần kinh phí mua giống keo, phân bón. Vì hầu hết chúng tôi vét hết số tiền trong nhà để trồng cây. Về lâu về dài hãy cho chúng tôi một phần đất rừng, tạo điều kiện cho dân xoá đói, thoát nghèo".

Diện tích đất rừng thuộc tiểu khu 248A dọc đường 78 do Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai quản lý có diện tích trên 500 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt cho Công ty TNHH một thành viên LCN Bắc Quảng Bình chuyển đổi sang trồng cao su. Từ đầu năm 2011, Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai tiến hành khai hoang chuẩn bị cho vụ trồng cao su năm 2011- 2012 khi mọi thủ tục chuyển đổi, quy hoạch hoàn thành. Và chính trong thời gian này, khi thấy công nhân lâm trường khai hoang thì người dân thôn Bồng Lai I và II cũng lên phát rừng, lấn chiếm.

Một khu rừng bị người dân chiếm làm rẫy.
Một khu rừng bị người dân chiếm làm rẫy.

Tại buổi làm việc với Công ty TNHH một thành viên LCN Bắc Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Cuồi, Giám đốc Công ty khẳng định: "Đất rừng thuộc TK 248A dọc đường 78 là đất đã có chủ, giao cho Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai quản lý, có thẻ đỏ, nộp thuế hàng năm. Diện tích đất rừng này đang trong quá trình chuyển đổi sang trồng cao su. Việc những hộ dân thôn Bồng Lai I và II, xã Hưng Trạch vào lấn chiếm trồng cây là vi phạm các quy định của Luật Đất đai. Chúng tôi cùng với chính quyền các cấp và các ngành liên quan kiên quyết xử lý triệt để. Trong đề án chuyển đổi sang trồng cao su, công ty cũng đã xây dựng phương án hợp đồng với lực lượng lao động tại chỗ, giao cho bà con diện tích, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật để bà con trồng. Như vậy trong tương lai không xa nữa, người dân của hai thôn này sẽ có công ăn việc làm".

Xung quanh sự việc người dân hai thôn Bồng Lai I và II lấn chiếm đất lâm trường, sau khi được tuyên truyền, giải thích mục đích chuyển đổi sang trồng cao su, phần lớn bà con đã hiểu rõ, tuy nhiên vẫn còn một số phần tử quá khích liên tục gây ra nhiều sự việc nghiêm trọng dẫn đến hiểu lầm giữa nhân dân và lâm trường. Chúng tôi xin nêu ra một số vụ cụ thể giúp các cơ quan liên quan điều tra, xử lý để an dân: tối ngày 13- 9- 2011, một số người dân kéo vào Trạm bảo vệ rừng (BVR) 78 đe doạ, gây rối lực lượng bảo vệ rừng ở đây; tối ngày 18- 9- 2011, rừng keo trồng năm 2008 của lâm trường tại lô V, khoảnh 1, tiểu khu 248A bị chặt phá 210 cây; ngày 19- 9- 2011, một số người dân khi bị cán bộ bảo vệ rừng ngăn cản không cho khai phá rừng đã có hành vi chống đối. Cán bộ của lâm trường là anh Lương Văn Phục bị ném đá vào đầu phải vào điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới. Ngày 28- 9- 2011, những kẻ quá khích đã ném mìn vào Trạm BVR 78, rất may không có thiệt hại về người.

Đặc biệt, đêm 16- 10- 2011, những đối tượng quá khích đã liên tiếp hai lần vào Trạm BVR 78 gây rối, đập phá nhiều tài sản của trạm như: máy bơm nước, xe máy, ti vi, soong nồi, chén bát... ước tính thiệt hại khoảng 25 triệu đồng...

Ông Trần Xuân Nghệ, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai, đơn vị trực tiếp quản lý diện tích rừng tại tiểu khu 248A thừa nhận: "Vụ việc ngày 12- 10- 2011, về nguyên tắc, chủ trương phía lâm trường không sai, tuy nhiên trong cách làm chúng tôi xử lý chưa thấu tình. Chúng tôi sẵn sàng rút kinh nghiệm. Phía lâm trường sẽ tổ chức một buổi họp với người dân hai thôn Bồng Lai I và II nhằm tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn từ trước đến nay, đồng thời tuyên truyền chủ trương chuyển đổi đất rừng nghèo thuộc khu vực này sang trồng cây cao su cho bà con rõ. Về phía lâm trường cam kết sẽ hỗ trợ một phần chi phí cây giống mà bà con trồng đã bị nhổ trong ngày 12-10. Ông Nghệ đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp cùng với chính quyền ngăn chặn không để người dân tiếp tục chiếm đất và hành hung cán bộ, nhân viên lâm trường.

Qua buổi làm việc với chúng tôi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bắc Quảng Bình đã đưa ra phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ dân ở 2 thôn Bồng Lai là, mỗi hộ được lâm trường giao cho 2 ha đất khu vực mà họ đang lấn chiếm để trồng cao su theo quy hoạch của UBND tỉnh (phương án này đã báo cáo với chính quyền và nhân dân 2 thôn). Về phía công ty sẽ cung ứng giống, phân bón, người dân bỏ công trồng và chăm sóc sau này họ được hưởng lợi từ số diện tích cao su của mình. Được biết trên địa bàn Bố Trạch có nhiều xã người dân liên kết với Lâm trường rừng thông Bố Trạch để trồng cao su theo mô hình hai bên cùng có lợi.

Mong rằng bà con hai thôn Bồng Lai tự giác chấp hành trả lại đất cho lâm trường, không để sự việc phức tạp thêm, về phía lâm trường cam kết sẽ hỗ trợ một phần chi phí cây giống mà bà con trồng đã bị nhổ trong ngày 12-10.

                                                                                        Nhóm P.V

,