.

Lo ngại việc cấp phép khai thác Titan

.
09:15, Thứ Năm, 18/08/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Vùng cát ven biển phía nam tỉnh Quảng Bình được phủ xanh bởi rừng phi lao hơn 40 năm nay nhưng gần đây đã bị phá đi để khai thác titan. Cuộc sống yên bình của người dân cũng bị đảo lộn bởi việc tận thu quặng sa khoáng của các doanh nghiệp. Mối lợi trước mắt chưa thấy rõ nhưng những nguy hại đã xuất hiện khiến cho người dân bức xúc và chính quyền địa phương rất khó xử lý.

Người dân bức xúc

Theo báo cáo tháng 6-2011, của UBND xã Sen Thủy huyện Lệ Thủy, trên địa bàn xã có 5 đơn vị được cấp phép khai thác titan với diện tích 200 ha, trong đó Công ty CP XNK Quảng Bình 100 ha, Công ty CP khoáng sản Hoàng Long 40 ha, 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sen Hồng, Công ty XDTH Thanh Bình và Công ty TNHH Việt Á 60 ha.

Công ty CP XNK Quảng Bình đã tiến hành khai thác titan từ 3 năm trước và hiện đang xin mở rộng diện tích khai thác. Các doanh nghiệp còn lại đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng chuẩn bị tiến hành khai thác titan.

Mới đây chúng tôi cùng với Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy.
Chủ tịch UBND xã Sen Thủy Nguyễn Văn Hiểu đưa chúng tôi thị sát khu vực khai thác titan ở phía đông thôn Trung Tân và cho biết: “Đây là rừng phi lao chống cát chảy, cát bay được trồng từ hơn 40 năm trước. Dù số lượng cây không dày nhưng gốc phi lao rất to, có vai trò giữ nước, chống cát chảy rất tốt cho người dân địa phương. Nhưng khi triển khai dự án khai thác titan, rừng phòng hộ này đã được chuyển sang rừng sản xuất, rồi bị phá nát để tận thu titan”.

Chúng tôi đến điểm khai thác titan ở Bàu Dum và Bàu Tràm, thôn Trung Tân xã Sen Thủy. Trước mắt là những đồi cát trắng xóa với nhiều hầm sâu, máy hút cát, tuyển titan đang chạy ầm ầm. Ông Lê Văn Luận ở thôn Trung Tân bức xúc: “Hồ Bàu Tràm cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong thôn đã bị đơn vị khai thác titan lấp hoàn toàn. Nước từ hồ này cùng với lượng nước đãi titan tràn ra làm cho cây cối bị chết do ngập úng, ô nhiễm. Người dân thì thiếu nước sinh hoạt”.

Đào sâu từ 20-30m để lấy quặng titan, xáo trộn nghiêm trọng hệ sinh thái vùng cát. Ảnh Tr. Thái
Đào sâu từ 20-30m để lấy quặng titan, xáo trộn nghiêm trọng hệ sinh thái vùng cát. Ảnh Tr. Thái

Theo lãnh đạo xã Sen Thủy, việc khai thác titan trên địa bàn xã đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân suốt ba năm nay. Trong đó, 16 hộ dân ở gần điểm khai thác titan thôn Trung Tân phải vật vã chống chọi với  cát bay, cát lấp và sự khan hiếm nước sinh hoạt do hoạt động khai thác trên gây nên. Mặt khác, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở titan thô từ mỏ khai thác đưa đi bán gây hư hỏng đường và bụi mù trời khiến người dân ở đây bức xúc. Trong tháng 3-2011, người dân hai thôn Trung Tân và Sen Bình đã chặn xe, buộc đơn vị khai thác phải sửa chữa lại đường.

 

Đặc biệt CP khoáng sản Hoàng Long chưa làm việc cụ thể với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Sen Thủy và thôn Nồm Bớc (nơi có mỏ khai thác) đã tiến hành lắp ráp thiết bị chuẩn bị khai thác titan, nên ngày 25-6-2011, hàng chục người dân đã kéo đến văn phòng công ty để phản đối.

  Nói về vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động khai thác titan, ông Nguyễn Văn Hiểu cho rằng, các giấy phép khai thác titan trên địa bàn do UBND tỉnh cấp, UBND xã có trách nhiệm theo dõi, giám sát và…báo cáo tình hình. Tuy nhiên theo lãnh đạo huyện Lệ Thủy, việc quản lý hoạt động khai thác titan là rất khó, vì dự án do UBND tỉnh quyết định.

Cần thận trọng khi cấp phép khai thác titan

Hiện ở Sen Thủy mới chỉ Công ty CP XNK Quảng Bình khai thác titan ở khu vực được xem là xa khu dân cư. Công ty có cam kết bảo vệ môi trường và hỗ trợ cho người dân địa phương. Đối với Công ty CP khoáng sản Hoàng Long, theo quyết định 1255 của UBND tỉnh Quảng Bình, Công ty này được phép khai thác titan tại thôn Nồm Bớc với diện tích 40 ha, gồm ba khu vực: khu C, khu D và khu E. Riêng khu C chỉ cách Bàu Trống và nhà dân thôn Nồm Bớc khoảng 200-300m. Người dân sợ khai thác titan ảnh hưởng đến đời sống của họ và gây ô nhiễm bàu nước ngọt hiếm có trên cát nên phản đối.
Tương tự như vậy, Công ty XDTH Thanh Bình dự kiến khai thác titan tại mỏ chỉ cách Bàu Trống khoảng 400-500m ở khu vực rừng đầu nguồn Bàu Trống nên người dân cũng không đồng tình với địa điểm khai thác này.

Qua công tác nắm bắt tình hình tại các khu dân cư có khai thác titan ở Sen Thủy, Công an Lệ Thủy đã có văn bản số 550/CALT ngày 30-6-2011 gửi Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy về tình hình hoạt động khai thác titan trên địa bàn xã Sen Thủy và thôn Trung Thành, xã Ngư Thủy Bắc, đã kiến nghị điều chỉnh không cho Công ty CP khoáng sản Hoàng Long khai thác titan tại khu C và không cấp giấy phép khai thác titan đối với Công ty XDTH Thanh Bình.

Một doanh nghiệp khác cũng bị Công an huyện Lệ Thủy kiến nghị không cấp giấy phép khai thác titan là Công ty TNHH Sen Hồng. Nguyên nhân là do khoảng cách từ mỏ dự kiến khai thác này chỉ cách Bàu Sen (bàu nước ngọt lớn nhất tỉnh nằm cạnh quốc lộ 1A) 400-500m, nếu khai thác sẽ gây ô nhiễm môi trường Bàu Sen và đời sống nhân trong khu vực.

Hiện trường khai thác titan. Ảnh Tr. Thái
Hiện trường khai thác titan. Ảnh Tr. Thái

Qua trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Quảng Bình Đặng Xuân Huề cho biết trữ lượng titan ở vùng cát ven biển nam Quảng Bình là không nhiều (7kg/m3 cát) nên doanh nghiệp phải khai thác theo kiểu tận thu để đủ nguyên liệu phục vụ cho nhà máy tuyển titan xuất khẩu 30.000 tấn/năm. Mức đền bù, hỗ trợ của doanh nghiệp đối với người dân trong vùng dự án gấp hai, ba lần so với quy định của Nhà nước. Sau khi khai thác xong, Công ty đã hoàn thổ và trồng cây xanh trên diện tích hơn 20 ha với tỷ lệ cây sống đạt cao. Sắp tới, Công ty tiếp tục trồng cây trên diện tích còn lại để bảo đảm cải tạo môi trường sinh thái sau khi khai thác quặng titan.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiểu thì Công ty CP XNK Quảng Bình mới hỗ trợ một ít gọi là “đền bù ô nhiễm” và hỗ trợ cho xã 50 triệu đồng, thôn Trung Tân 20 triệu và thôn Sen Bình 10 triệu đồng. Việc hoàn thổ, trồng cây cũng mới bắt đầu, cây trồng mới bén rễ, còn lâu lắm mới thành rừng chắn cát.
 Nhìn chung, các dự án titan đã và đang triển khai ở xã nghèo Sen Thủy là bất ổn.

Việc cấp phép khai thác titan đã khiến người dân phải gánh chịu nhiều hệ lụy, chính quyền địa phương cũng không thể xử lý. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc giữa mối lợi trước mắt và những nguy hại về sau để có quyết sách đúng đắn trong việc triển khai các dự án khai thác titan.


                                                                                             Tr. Thái

,