Trên 1.300 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách
(QBĐT) - Chiều 9/10, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024.
Trong 9 tháng năm 2024, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, động viên toàn thể cán bộ, nhân viên mạng lưới NHCSXH trên địa bàn cùng đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, khôi phục sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tổng doanh số cho vay 9 tháng năm 2024 đạt 1.313 tỷ đồng, với 26.582 lượt khách hàng vay, tăng so với cùng kỳ hơn 166 tỷ đồng. Chi nhánh đã giải ngân cho vay đối với 26.582 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; trong đó, có 1.343 lượt hộ nghèo vay vốn, 1.644 lượt hộ cận nghèo vay vốn, 2.000 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn, 456 lượt vay vốn cho học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...
Chất lượng tín dụng chính sách (TDCS) được duy trì ổn định và tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Bằng các giải pháp đồng bộ và sự quyết liệt của chính quyền địa phương, NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thu hồi nợ quá hạn, nhất là nợ xấu tồn đọng, kiềm chế tối đa nợ quá hạn phát sinh; giảm nợ quá hạn, nợ khoanh hiện đang theo dõi. Đến ngày 30/9, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là hơn 4,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động TDCS xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, đó là: Tỷ lệ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương so với tổng nguồn vốn TDCS trên địa bàn tỉnh còn thấp; nhiều xã ra khỏi danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn nên phải thu hồi nguồn vốn, trong khi người dân các xã này vẫn rất cần vốn...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, bám sát định hướng chỉ đạo của cấp trên, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, gồm: Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng dư nợ, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; triển khai tốt việc sử dụng ứng dụng quản lý TDCS đến các đối tượng cấp tỉnh, huyện, xã; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của mạng lưới từ ban đại diện HĐQT các cấp, NHCSXH, các tổ chức chính trị-xã hội làm ủy thác về cơ sở, nhằm chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong hoạt động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả hoạt động TDCS, các mô hình làm ăn hiệu quả, các chủ trương, chính sách mới...
Đ.N