Chính sách thấu hiểu lòng dân-Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau
(QBĐT) - Những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước khi thấu hiểu và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chỉ thị đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó giúp hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo; thực sự đã trở thành “trụ đỡ” để nhiều hoàn cảnh khó khăn làm điểm tựa phấn đấu và hy vọng vào ngày mai.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 9/4/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Song song với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW đến toàn thể đảng viên, cán bộ, người lao động thuộc đơn vị quản lý.
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực, cùng với nguồn vốn của Trung ương, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Nhờ đó, tổng nguồn vốn sau 10 năm đạt 5.390,4 tỷ đồng, tăng 3.213,2 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,7%/năm. Một số địa phương có nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH cao so với bình quân toàn tỉnh, như: TP. Đồng Hới 15,6 tỷ đồng, Quảng Trạch 14,9 tỷ đồng, Lệ Thủy 14,6 tỷ đồng, TX. Ba Đồn 14,6 tỷ đồng, Bố Trạch 13,9 tỷ đồng…
Cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội cũng được huy động vào cuộc thực hiện quản lý, bình xét cho vay và giám sát nguồn vốn vay hiệu quả. Có thể nói, việc NHCSXH ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội đã phát huy được những điểm mạnh của đoàn thể có mạng lưới ở tất cả các xã, phường. Đến nay, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý hơn 5.000 tỷ đồng, với 2.219 tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 86.376 hộ vay.
Tại huyện Quảng Ninh, việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đã được các cấp ủy quan tâm, rốt ráo thực hiện. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Quang Minh cho biết: Xác định nguồn vốn địa phương đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tăng cường hỗ trợ, ủy thác vốn cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong 10 năm qua, từ hoạt động tín dụng chính sách, huyện đã hỗ trợ vốn vay cho hơn 20.000 lượt hộ nghèo. Nguồn vốn này đã góp phần giúp cho hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo được thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Kể về quá trình thoát nghèo của mình, anh Trần Văn Sỹ, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bản Khe Cát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) chia sẻ, trước khi đảm nhận vai trò của một tổ trưởng, anh là một khách hàng của NHCSXH.
Được cán bộ tuyên truyền, vận động, anh đã mạnh dạn vay gói vay phát triển sản xuất dành cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với mong muốn thoát được nghèo. Trước đó, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã, với 5 người con, phải sống dựa vào nghề đi rừng săn bắt và tìm mật ong. Anh Sỹ tâm sự: Đi rừng kiếm mật ong là nghề rất vất vả, thu nhập lại bấp bênh. Ngày nào kiếm được mật ong thì ngày đó có tiền để lo chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Thu nhập ngày có ngày không, nhà lại đông con nên gia đình anh lúc nào cũng trong tình trạng túng thiếu “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Thời điểm đó, gia đình có 5ha đất rừng, nhưng khi cái ăn còn chưa đủ no thì việc đầu tư cây giống để trồng rừng cũng là vấn đề lớn. Vì vậy số diện tích đất rừng đó anh đành bỏ hoang.
Được cán bộ NHCSXH dưới xuôi lên tuyên truyền về các chương trình vay thoát nghèo dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, anh vay 100 triệu đồng. Nhờ cán bộ tư vấn, bày cách làm kinh tế, anh đã mua bò và cây giống phủ xanh đất rừng. Anh Sỹ vui mừng: “Bây giờ tôi không phải vào rừng kiếm sống qua ngày như trước nữa mà chỉ ở nhà chăm sóc đàn bò và gần 5ha rừng tràm đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ngoài thời gian phát triển kinh tế, tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con trong bản vay vốn làm ăn để họ cùng thoát cái nghèo như mình”.
Thấu hiểu, đồng hành cùng người nghèo
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chương trình vay ưu đãi đã đến được với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai các chương trình vay vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn chính sách xã hội đã giúp hơn 350 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 45,6 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Nguồn lực thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Nhiều khách hàng vay, các chương trình vay, mức vay còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của nhiều đối tượng.
“Thấu hiểu với những nhu cầu của người dân, trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách giai đoạn 2014-2024, chính quyền các cấp và các sở, ngành đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi, như: Mở rộng chương trình cho vay theo đối tượng thụ hưởng; xem xét nâng mức vay, thời hạn cho vay đối với các chương trình cho vay một số chương trình”, Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu đã nhấn mạnh: Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định tính ưu việt, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đời sống của người nghèo, các đối tượng chính sách và công tác an sinh xã hội. Chỉ thị đã thật sự đi vào cuộc sống và tác động mạnh mẽ, tích cực đối với các mặt của đời sống xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, người nghèo.