Bám biển sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo

  • 07:30 | Thứ Năm, 10/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Vừa bám biển khai thác hải sản hiệu quả góp phần phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) địa phương, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ ở huyện Bố Trạch vừa tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Những “cột mốc sống” trên biển

Sở hữu chiếc tàu vỏ sắt công suất lớn và kinh nghiệm hàng chục năm vươn khơi bám biển, ngư dân Hồ Đăng Toàn, thôn Nam Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) được nhắc đến như là một trong những “cột mốc sống” trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Toàn cũng là chủ tàu cá ở xã Đức Trạch tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển nước ta theo Nghị định số 30 và Nghị định số 130 của Chính phủ.     

Ngoài báo cáo theo định kỳ và khi có “tình huống”, cứ sau mỗi chuyến biển dài ngày, ngư dân Hồ Đăng Toàn đều đến UBND xã Đức Trạch để báo cáo kết quả chuyến đi và tình hình diễn biến trên biển. Chuyến đi biển mới đây cũng vậy, vừa trở về, đưa cá lên bờ xong là ông có mặt tại trụ sở UBND xã.  

Theo ông Hồ Đăng Toàn, tình hình trên biển gần đây khá ổn định, ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân ngày càng cao, nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ, phức tạp.

Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh thăm mô hình kinh tế biển ở xã Đức Trạch (Bố Trạch).
Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh thăm mô hình kinh tế biển ở xã Đức Trạch (Bố Trạch).

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Đức Trạch Hồ Văn Sỹ cho biết: Xã có 10 tàu với hơn 70 ngư dân (toàn huyện có 24 tàu-P.V) tham gia đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển nước ta theo Nghị định số 30 và Nghị định số 130 của Chính phủ.

Đây là những ngư dân có tàu công suất lớn (dài trên 15m), có kinh nghiệm đánh bắt và sức khỏe tốt; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước CHXHCN Việt Nam.

Thời gian qua, hầu hết các tàu cá này đều hoạt động rất tích cực. Họ được ví như những “cột mốc sống” trên biển, vừa hoạt động khai thác hải sản hiệu quả, vừa tham bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là nguồn cung cấp thông tin hữu ích để Ban CHQS xã kịp thời nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên biển và các hoạt động trái phép của tàu nước ngoài trên vùng biển của nước ta.

Qua đó, báo cáo và có những đề xuất với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý phù hợp. Mỗi khi có sự cố trên biển, việc thông tin, hỗ trợ bà con ngư dân với nhau cũng rất thuận tiện và hiệu quả.

Mặt khác, với uy tín và trách nhiệm của mình, những chủ tàu cá này cũng thường xuyên tuyên truyền, động viên những ngư dân khác cùng tuân thủ pháp luật, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhờ vậy, thời gian qua đã hạn chế được tình trạng người dân vi phạm các quy định trong đánh bắt thủy hải sản.

Sát cánh cùng ngư dân

Huyện Bố Trạch có đoạn biên giới bờ biển dài 22,5km, địa bàn gồm 6 xã: Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch, Trung Trạch, Đại Trạch và Nhân Trạch. Nghề đi biển vất vả, thường xuyên phải đối mặt với gió bão, rủi ro.

Những năm qua, trên mỗi hành trình vươn khơi, bám biển của ngư dân Bố Trạch luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh (Sở Ngoại vụ là cơ quan thường trực-P.V).

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền tích cực tuyên truyền về công tác biên giới biển và bảo hộ công dân cho cán bộ, ngư dân các xã vùng biển. Nhờ đó, ngư dân ngày càng tuân thủ pháp luật, thực hiện nghiêm chống khai thác IUU, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới biển, đảo…

Tàu cá của ngư dân neo đậu ở cảng Gianh.
Tàu cá của ngư dân neo đậu ở cảng Gianh.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: Toàn huyện có 267 tàu cá hoạt động ở vùng biển xa được hỗ trợ kinh phí nhiên liệu, máy thông tin liên lạc, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong khuyến khích, động viên ngư dân đánh bắt thủy sản dài ngày trên biển để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính sách đã được người dân và chính quyền các cấp ở huyện Bố Trạch hưởng ứng rất tích cực, đặc biệt trong thời điểm ngư trường đánh bắt không hiệu quả, giá cả các yếu tố đầu vào tăng cao, giá bán thủy sản thấp… như hiện nay.

Ngư dân Nguyễn Văn Tiền (thôn Nam Đức, xã Đức Trạch), chủ tàu cá QB-92999-TS chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Quyết định số 48, chúng tôi yên tâm vừa vươn khơi bám biển sản xuất, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Riêng tàu cá của gia đình tôi, những năm qua đều đánh bắt rất hiệu quả, đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Chuyến biển tháng 9/2024 vừa qua, tàu của tôi đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, chia cho lao động mỗi người trên 40 triệu đồng”.

Cũng theo ông Nguyễn Cẩm Long, sản lượng đánh bắt hải sản trên biển của huyện Bố Trạch 9 tháng năm 2024 ước đạt 21.346,8 tấn, đạt 88,1% kế hoạch, tăng 0,83% so cùng kỳ năm 2023. Ngư dân vừa khai thác hải sản vừa tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…  

Tháng 6/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã có buổi làm việc với các xã biên giới biển huyện Bố Trạch về tình hình KT-XH, quốc phòng-an ninh và công tác biên giới trên địa bàn; chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ngư dân khắc phục những khó khăn, “sát cánh” cùng ngư dân trong những hành trình vươn khơi, bám biển; đồng thời, đã đến thăm các mô hình phát triển kinh tế biển, động viên ngư dân hăng say lao động sản xuất, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và tham gia phát triển KT-XH tại địa phương.

Phan Phương

tin liên quan

Trên 1.300 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách

(QBĐT) - Chiều 9/10, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024.

TP. Đồng Hới: Đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy sản

(QBĐT) - Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về biển đảo, phổ biến các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định bằng nhiều hình thức, ngư dân trên địa bàn TP. Đồng Hới đã nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, tích cực ra khơi bám biển, đẩy mạnh khai thác thủy sản...

Để OCOP thực sự khoác "áo đẹp"

(QBĐT) - Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ về cả chất lượng và hình thức. Tuy nhiên, vẫn còn đó những sản phẩm OCOP, nhất là mặt hàng nông sản sạch, chưa thực sự quan tâm nhiều đến "chi tiết nhỏ, ý nghĩa lớn" về thông tin liên quan đến thời hạn sử dụng sản phẩm.