Vươn tới những tầm cao
(QBĐT) - Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Bình có diện tích tự nhiên 8.056km2, dân số khoảng 910.000 người, có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện. Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, tỉnh đã từng bước khai phá tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc trên chặng đường mới.
Từ trong gian khó
Qua gần 40 năm đổi mới và 35 năm tái lập tỉnh, với các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, trong đó có những chủ trương mang tính đột phá được tỉnh nỗ lực thực hiện; đồng thời, phát huy nội lực và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, Quảng Bình từ một tỉnh nghèo, thuần nông, trình độ sản xuất yếu kém, năng suất, hiệu quả thấp, trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện. Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá qua các năm.
Ông Nguyễn Đình Song, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy chia sẻ với phóng viên: Trải qua chặng đường 35 năm từ ngày chia tỉnh đến nay, Quảng Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, rất phấn khởi. Từ chỗ rất khó khăn, nhưng bây giờ từ thành thị đến nông thôn đều khởi sắc, đời sống nhân dân tiến bộ rõ rệt, kết cấu hạ tầng được đầu tư, ngành nghề phát triển, có tầm nhìn quy hoạch cho tương lai.
“Có được kết quả to lớn này là do cán bộ và nhân dân Quảng Bình luôn phát huy truyền thống đoàn kết, một lòng vượt qua khó khăn, thử thách. Đồng thời, luôn nhạy bén, nắm bắt tinh thần đổi mới, phát huy tinh thần tự lực, tự cường”, ông Nguyễn Đình Song xúc động nói.
Sau 35 năm tái lập tỉnh, Quảng Bình đã khắc phục được tình trạng trì trệ, đưa nền kinh tế từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phát triển và đi vào thế ổn định; tốc độ tăng trưởng GRDP khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 60 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, năm 2021 còn 3,3% (giai đoạn 2021-2023 bình quân giảm 2.924 hộ/năm).
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Quảng Bình tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng bình quân 3,07%/năm. Ông Nguyễn Chí Lâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn chia sẻ: Hiện, Quảng Bình đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đây là một hướng đi rất bền vững.
Đáng chú ý, công nghiệp từ xuất phát điểm gần như trắng đã từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đến nay, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 46 lần so với năm 1990. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn có bước phát triển khá, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, nhiều sản phẩm có giá trị cao và có sức cạnh tranh. Thị trường dịch vụ của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống của người dân.
Đặc biệt, du lịch Quảng Bình có nhiều khởi sắc và dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Thương hiệu du lịch Quảng Bình được khẳng định ở tầm quốc gia, khu vực và thế giới, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý nhấn mạnh: “Du lịch Quảng Bình đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế”.
Tạo đà cho phát triển
Để thúc đẩy sự phát triển, những năm qua, Quảng Bình đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, như: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, sân bay Đồng Hới, cầu Gianh, cầu Quán Hàu, cầu Nhật Lệ 1 và 2, cầu Trung Quán, đường nối Khu Kinh tế Hòn La với Khu Công nghiệp xi măng tập trung Tiến-Châu-Văn Hóa, đường Võ Nguyên Giáp, hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, các tuyến đường nối trục Đông-Tây, các tuyến đường nội thành TP. Đồng Hới...
Đặc biệt, gần đây, với dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn qua tỉnh đang được triển khai quyết liệt; Cảng hàng không Đồng Hới đang nâng cấp... sẽ là những tín hiệu mới, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư ngày càng có nhiều đổi mới và quyết liệt hơn; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ với các cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng. Nhờ đó, Quảng Bình ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư 147 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 28.000 tỷ đồng; thu hút 1 dự án FDI, với số vốn đăng ký 54,6 triệu USD và 47 dự án NGO, giá trị cam kết viện trợ 9,5 triệu USD. Nhiều dự án đi vào hoạt động hiệu quả, tạo động lực phát triển của tỉnh.
Ông Trần Hoàng Giang, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh chia sẻ: Từ mấy chục DN thời kỳ đầu mới chia tỉnh, đến nay cộng đồng DN Quảng Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển KT-XH của địa phương. Hàng năm, các DN đóng góp trên 45% GDP, hơn 60% tổng thu ngân sách trong cân đối, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động thường xuyên và hàng vạn lao động thời vụ, chiếm gần 28% lực lượng lao động của toàn xã hội.
“Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Bình đã có thêm 1.627 DN được thành lập, nâng tổng số DN lên hơn 8.800 DN, với số vốn đăng ký gần 20.180 tỷ đồng”, ông Giang cho hay.
Trên chặng đường mới
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Bình đã xác định 2 động lực tăng trưởng, 4 trụ cột phát triển kinh tế, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế để từng bước khai phá tiềm năng và bứt phá trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ đóng vai trò định hướng tổ chức không gian; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các yếu tố, nguồn lực, mà còn tạo ra khung pháp lý để định hướng và hoạch định các chính sách phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây (hướng ra biển). |
Cụ thể, 4 trụ cột trong phát triển kinh tế được tỉnh xác định là: Du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. 2 trung tâm động lực tăng trưởng gồm: Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu Kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, 3 trung tâm đô thị là: Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, lấy Đồng Hới làm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối, gồm Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là TX. Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.
Đồng thời, 3 hành lang kinh tế được xác định là: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1, đường ven biển; hành lang kinh tế Đông-Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo-TX. Ba Đồn-cảng biển Hòn La; hành lang kinh tế trung du và miền núi, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, một trong những giải pháp được tỉnh Quảng Bình xác định là tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ, đồng thời tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Đường lớn đã rộng mở và Quảng Bình đang trên đà vươn tới những tầm cao mới, để quê hương “Hai giỏi” ngày càng thêm mạnh giàu.
Anh Tuấn