"Mở lối" phát triển nông nghiệp xanh

  • 09:31 | Chủ Nhật, 01/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát triển nông nghiệp sạch (NNS), nông nghiệp hữu cơ (NNHC) và nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu, nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Những năm qua, TX. Ba Đồn đã chủ động liên kết với doanh nghiệp (DN) trong hỗ trợ nông dân sản xuất, chăn nuôi theo quy trình hữu cơ, gắn với tiêu thụ sản phẩm.
 
Sản xuất lúa hữu cơ và liên kết theo chuỗi
 
Có mặt tại cánh đồng thôn Tiên Sơn (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn) những ngày này, chúng tôi mới cảm nhận hết được không khí rộn ràng, náo nức của ngày mùa. Tiếng máy gặt đập, tiếng xe ô tô tải và cả những chiếc xe trọng tải lớn đỗ sát ngay chân ruộng để thu mua “lúa tươi” cho nông dân. Ông Trần Minh Trực (66 tuổi) hồ hởi nói: “Vụ hè-thu năm nay là vụ mùa bội thu. Lúa được mùa và được giá”. Ông Trực cho biết, gia đình ông làm 8 sào ruộng lúa. Với năng suất hơn 4,2 tạ/sào, vụ mùa năm nay, gia đình ông thu được hơn 3,3 tấn lúa. Ông Trực tính, bán 3 tấn lúa tươi (giá 7.200 đồng/kg), ông sẽ thu được hơn 21 triệu đồng.
 
Ông cho hay: “Phải canh tác theo phương thức sản xuất lúa hữu cơ, người ta mới thu mua, chứ đâu có bán được dễ dàng như vậy. Trước đây, có thời kỳ, ngoài thị trường có loại thuốc gì tốt cho cây lúa, không kể thuốc đó có hại như thế nào, người nông dân đều truyền tai nhau mua về phun cho lúa. Giờ đây, quá trình từ khi gieo giống đến thu hoạch đều có cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh hướng dẫn, giám sát, bón phân hữu cơ theo quy định”.
 
Vụ hè-thu năm nay là vụ mùa thứ 6, người dân thôn Tiên Sơn thực hiện quy trình canh tác lúa hữu cơ và được Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, vụ hè-thu này cũng là năm đầu tiên thôn Tiên Sơn được công ty chọn thực hiện mô hình “Sản xuất nông nghiệp không dấu chân” trên diện tích 4,5ha. Lần đầu tiên thấy thiết bị bay không người lái gieo giống, bón phân, những người nông dân như ông Trực không giấu nỗi sự ngạc nhiên, vui sướng. Không ngờ làm nông dân thời nay có máy móc hiện đại đến như thế.
 
Thời trước, thế hệ những người nông dân “một nắng, hai sương” như ông, để có được hạt lúa, cả gia đình 5-6 người phải “còng lưng” tất bật cày ruộng làm đất, rồi bắc mạ, cấy lúa suốt ngày đêm mà vẫn không kịp thời vụ. Còn giờ đây, với máy móc hiện đại, chỉ một mình ông cũng cáng đáng, đảm đương trọn vẹn mọi khâu của 8 sào ruộng lúa.
Câu chuyện sản xuất NNHC và liên kết DN bao tiêu sản phẩm, không chỉ diễn ra ở thôn Tiên Sơn, mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn TX. Ba Đồn. Đến nay, thị xã đã có 560ha lúa được sản xuất theo chuỗi liên kết.  
Nông dân TX. Ba Đồn thu hoạch lúa hè-thu.
Nông dân TX. Ba Đồn thu hoạch lúa hè-thu.
“Kéo” doanh nghiệp về dạy nông dân sản xuất, chăn nuôi
 
Chăn nuôi sinh học giờ đây không còn là khái niệm xa lạ với nhiều người dân trên địa bàn TX. Ba Đồn. Trang trại của anh Hoàng Văn Long ở xã Quảng Tiên là một trong số những trang trại chăn nuôi quy mô khá lớn trên địa bàn thị xã với diện tích chuồng trại gần 1.000m2.
 
Gần 10 năm phát triển, anh Long đã có 4 năm chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học (ATSH). Anh Long cho biết, trước đây nuôi theo kiểu truyền thống, lợn thường bị ốm, chết mà không hiểu lý do, nhất là vào mùa đông, lợn thường bị bệnh tiêu chảy. Từ khi được Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn áp dụng phương pháp chăn nuôi lợn ATSH, anh đã thiết kế lại toàn bộ chuồng trại. Thời tiết nắng nóng, lợn được phun sương và quạt mát để giảm nhiệt. Vào mùa đông, lợn được nằm đệm lót sinh học nên ít bệnh hơn. Thức ăn của lợn chủ yếu sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp lên men, như: Cám gạo, bột ngô, bắp… nên chi phí đầu vào thấp hơn so với thức ăn công nghiệp. Điều quan trọng nữa là từ khi sử dụng đệm lót sinh học, chuồng trại không bị ô nhiễm môi trường do chất thải của lợn gây ra.
 
Giai đoạn 2020-2025, TX. Ba Đồn đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi sản phẩm, từng bước chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất NNS, NNHC. Để thực hiện mục tiêu đó, từ năm 2020, UBND thị xã đã chủ động tổ chức ký hợp đồng và chỉ đạo các địa phương liên kết, hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh trong tổ chức sản xuất NNHC, gắn với tiêu thụ sản phẩm. 
 

Giám đốc Nhà máy sản xuất giống cây trồng (Chi nhánh Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh) Đặng Vũ Thái cho biết, từ vụ đông-xuân 2021-2022, công ty đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn TX. Ba Đồn sản xuất hơn 26ha lúa hữu cơ, 70ha lúa theo định hướng hữu cơ và thu mua, tiêu thụ lúa cho hơn 500ha. Quá trình liên kết, công ty cung cấp toàn bộ vật tư đầu vào, như: Giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh. Nếu xảy ra sâu bệnh, công ty đưa thiết bị bay không người lái để phun thuốc phòng, trừ bệnh. Hiện tại, sản phẩm “Gạo hữu cơ Sông Gianh” của công ty đã được đăng ký bảo hộ độc quyền và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Khánh cho biết, việc triển khai các mô hình phát triển NNS, NNHC gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thời gian qua đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, từ sản xuất, chăn nuôi theo phương thức truyền thống sang sản xuất, chăn nuôi hữu cơ, theo hướng hữu cơ và ATSH, bước đầu đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, chăn nuôi an toàn gắn với thị trường; đồng thời, từng bước đưa các công nghệ hiện đại vào sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, sự liên kết giữa người sản xuất và DN vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa thu hút được nhiều DN tham gia. Việc phân biệt giữa sản phẩm NNS, NNHC với các loại sản phẩm nông nghiệp thông thường khác còn gặp nhiều khó khăn, nên khó thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ATSH phát triển.
 
“Thời gian tới, UBND thị xã tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, NNHC, nông nghiệp thông minh, trong đó lấy DN làm hạt nhân liên kết theo chuỗi giá trị; đầu tư chuyên sâu cho các khu vực nông nghiệp hàng hóa, vùng chuyên canh nhóm cây trồng chủ lực theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu; tạo điều kiện để nông dân mở rộng liên kết với DN trong sản xuất-tiêu thụ; xây dựng nhãn hiệu, xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nông sản an toàn; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững”, Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Khánh thông tin thêm.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Quảng Ninh: Khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội huyện năm 2024

(QBĐT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 31/8, huyện Quảng Ninh tổ chức khai mạc triển lãm thành tựu phát triển kinh tế-xã hội huyện năm 2024.

"Hộ chiếu" cho gỗ rừng trồng

(QBĐT) - Những năm gần đây, UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Thuận Nhiên thuộc Tập đoàn An Việt Phát tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức cấp chứng chỉ FSC cho 3.077ha rừng trồng của 1.153 hộ dân tại xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch và Hương Hóa. Chứng chỉ FSC đã góp phần nâng cao hiệu quả của rừng, là tấm "hộ chiếu" để các sản phẩm từ gỗ rừng trồng vươn xa.

Công nhận TX. Ba Đồn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Chiều 30/8, UBND tỉnh tổ chức họp thẩm định, xét, đề nghị công nhận các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh do đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.