"Gỡ khó" thu thuế tài nguyên khoáng sản

  • 07:17 | Thứ Tư, 18/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, ngành Thuế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản (TNKS).
 
Còn nhiều khó khăn
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 80 doanh nghiệp (DN), 2 cá nhân, 2 hợp tác xã và 1 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh TNKS.
 
Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai công tác quản lý nhà nước về TNKS trên địa bàn, phối hợp các ban, ngành liên quan thực hiện hiệu quả công tác quản lý và chống thất thu thuế. Chi cục Thuế các huyện, khu vực và Phòng Thanh tra-Kiểm tra (TT-KT) tăng cường công tác TT, KT để truy thu các loại thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác TNKS kê khai không đúng sản lượng thực tế; thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN).
 
Cục Thuế tỉnh thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh TNKS thực hiện kê khai, nộp thuế, phí theo đúng quy định của pháp luật bằng các hình thức: Gọi điện thoại trực tiếp, gửi giấy mời đến các DN, tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh TNKS đến làm việc và hướng dẫn, thống nhất phương án kê khai, nộp thuế. Công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác, kinh doanh TNKS được ngành Thuế đẩy mạnh thực hiện thông qua hoạt động TT, KT. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành Thuế đã thực hiện 39 cuộc TT, KT đối với người nộp thuế (NNT) hoạt động khai thác, kinh doanh TNKS. Tổng số thuế truy thu và phạt các khoản qua TT, KT gần 5 tỷ đồng.
Công tác chống thất thu thuế trong khai thác tài nguyên, khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Công tác chống thất thu thuế trong khai thác tài nguyên, khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo Phó trưởng Phòng TT-KT, Cục Thuế tỉnh Phạm Anh Tài, công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác, kinh doanh TNKS trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quản lý sản lượng tài nguyên khai thác khó kiểm soát, như: Khai thác cát, đá, sỏi xuất bán cho gia đình, cá nhân sử dụng thường không lấy hóa đơn, khi vận chuyển lưu thông trên đường chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ gây thất thu lớn cho NSNN.
 
Trong công tác TT, KT các đơn vị, cá nhân thu mua gom TNKS của các đối tượng được cấp phép khai thác để cải tạo vườn, ao, hồ gặp khó khăn do thiếu thông tin. Theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 152/2015/TT-BTC, ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính: “NNT tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên...”, nhưng khi TT, KT đối tượng thu mua gom TNKS để sử dụng không có chứng từ nộp thuế, phí để đối chiếu.
 
Bên cạnh đó, công tác quản lý thu thuế, phí lĩnh vực khai thác, kinh doanh TNKS luôn được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền các cấp, sự vào cuộc xử lý quyết liệt của các ban, ngành. Tuy nhiên, tình trạng khai thác TNKS lậu, bất hợp pháp vẫn diễn ra trên địa bàn, gây thất thu lớn cho NSNN.
 
Việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển TNKS của các DN do Cục Thuế và các Chi cục Thuế quản lý thu rất khó thực hiện do phần lớn địa điểm mỏ khai thác của các DN đều ở tại các địa điểm không theo địa chỉ đăng ký thuế của trụ sở chính. Các DN chưa chấp hành đầy đủ việc lắp đặt camera, trạm cân theo quy định Luật Khoáng sản nên việc TT, KT sản lượng khai thác, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra bán hàng xuất hóa đơn theo từng chuyến hàng chưa thực hiện được do còn thiếu sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng.
 
Ngoài ra, một số DN khi được các cơ quan chức năng cấp phép khai thác mỏ thì phải thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN, nhưng qua nhiều năm chưa đi vào khai thác, dẫn đến nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn và kéo dài. Tính đến tháng 6/2024, tổng số nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trên 148 tỷ đồng.
 
Tăng cường quản lý
 
Theo Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ngô Văn Thuận, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, kinh doanh TNKS, thời gian tới, ngành Thuế sẽ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế, hướng dẫn NNT thực hiện tự giác kê khai đầy đủ số thuế, phí phải nộp cũng như tăng cường công tác cải cách hành chính về thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT chấp hành chính sách thuế.
 
Phòng TT-KT, Chi cục Thuế các huyện, khu vực nắm chắc tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các DN, tổ chức, cá nhân mua bán, khai thác, vận chuyển TNKS; tranh thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong khâu thực hiện quản lý thu; xử lý những trường hợp không chấp hành kê khai thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường không đúng quy định.
 
Từ năm 2023 đến hết tháng 6/2024, số thuế nộp NSNN đối với lĩnh vực khai thác, kinh doanh TNKS trên địa bàn tỉnh là trên 193 tỷ đồng. 

Cục Thuế sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý khoáng sản, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác TNKS cho cán bộ, công chức thuộc cơ quan Thuế để nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ TNKS; tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý thuế.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng tập trung rà soát, xác định các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã được cấp phép khai thác TNKS; đối chiếu việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường làm căn cứ cho công tác quản lý, thu thuế theo quy định…
 
Để công tác quản lý thu thuế TNKS đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành Thuế rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp có liên quan. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác TNKS không những bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN mà còn công khai, minh bạch, công bằng trong việc xác định và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm.
Lan Chi

tin liên quan

Quảng Bình tham gia hội chợ thương mại Festival Huế năm 2024

(QBĐT) - Trong các ngày 16-22/9, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế diễn ra hội chợ thương mại Festival Huế năm 2024. 

Nỗ lực xây dựng làng văn hóa du lịch-nông thôn mới nâng cao

(QBĐT) - Cùng với mục tiêu xây dựng làng văn hóa du lịch Cự Nẫm thành khu du lịch hấp dẫn với hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng của địa phương, thời gian qua, chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực để bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan du lịch, tiền đề quan trọng trên hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Lệ Thủy: 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

(QBĐT) - Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn huyện Lệ Thủy, các chủ thể tham gia chương trình OCOP đã được nâng cao trình độ, năng lực; chất lượng sản phẩm OCOP bảo đảm, được người tiêu dùng đánh giá cao.