Đưa nước sạch về với bản làng

  • 07:36 | Thứ Tư, 04/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Minh Hóa đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khu vực nông thôn, nhất là tại các xã vùng biên giới, đáp ứng nhu cầu bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Đây cũng là điều kiện cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn huyện Minh Hóa.
 
Là 1 trong 4 xã biên giới của huyện Minh Hóa, Dân Hóa có hơn 1.000 hộ với gần 4.600 khẩu, trong đó ĐBDTTS chiếm hơn 90%. Trước đây, để có nước phục vụ sinh hoạt, bà con phải đi xa từ 5-7km qua các đồi núi để gùi nước ở các sông, suối về sử dụng. Những năm khô hạn, nhu cầu về nước sinh hoạt càng trở nên bức thiết với người dân. 
 
Tình trạng thiếu nước sạch không riêng gì ở xã Dân Hóa, ĐBDTTS ở các xã vùng biên giới khác, như: Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa đều trong tình trạng tương tự. Việc thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân và cũng là điều kiện cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế, là mục tiêu quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Minh Hóa đã tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực tiến hành khảo sát, kiểm tra và đưa ra các phương án bảo đảm nước sinh hoạt cho đồng bào.
Trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Minh Hóa được đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt.
Trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Minh Hóa được đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa Cao Ngọc Điền cho biết, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng ĐBDTTS, từ năm 2018 đến nay, trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, huyện đã đầu tư xây dựng 17 công trình nước tự chảy tại các thôn, bản, cụm bản trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, huyện dành hàng chục tỷ đồng nguồn vốn chương trình để hỗ trợ. Để hưởng ứng chương trình, đồng bào đóng góp 9.300 ngày công cùng xây dựng các công trình nước sinh hoạt; các tổ chức, cá nhân cũng đứng ra vận động thêm nguồn xã hội hóa với kinh phí gần 150 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 8 công trình giếng khoan cho bà con. Đến nay, tỷ lệ tiếp cận nước sinh hoạt vùng ĐBDTTS hợp vệ sinh đạt trên 90%.
 
Ông Hồ Pha, bản Hà Nôông, xã Dân Hóa chia sẻ, ngày trước bà con trong bản phải đi xa để lấy nước nên rất vất vả và mất nhiều thời gian. Bây giờ nguồn nước sạch đã về tận bản, đến từng nhà, bà con không phải đi gùi nước. Nguồn nước tự nhiên nhiều khi cũng không hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con, nhất là trẻ em.
 
Tại xã Dân Hóa, từ 2021 đến nay, địa phương đã nhận được gần 4 tỷ đồng các nguồn kinh phí để đầu tư các công trình nước sinh hoạt tự chảy, cung cấp nước cho gần 750 hộ dân ĐBDTTS trên địa bàn. Hồ Bông, ở bản Ka-Định phấn khởi cho biết, từ khi có ống nước chảy về tận bản, nhiều bà con tự mua ống để bắt về tận nhà. Nhiều hộ trong bản cũng xây bể lắng để được sử dụng nguồn nước sạch hơn. Bà con ai cũng mừng, không mất công đi xa gùi nước như trước nữa, nhất là những ngày nắng nóng như vừa qua.
 
Hiện nay, huyện Minh Hóa tập trung các nguồn lực để xây dựng mới, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt vùng ĐBDTTS, phấn đấu đến hết năm 2025, có trên 95% ĐBDTTS được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

Với đặc thù địa hình miền núi, các thôn, bản thường cách xa nhau nên khi những tuyến đường ống đưa nước sinh hoạt về tới các thôn, bản là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành. Việc đưa nước sạch về với bản làng không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn làm thay đổi tập quán sinh hoạt của bà con vùng cao.

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi cho hay: “Thời gian qua, 17 bản của xã cơ bản được đầu tư công trình nước và một số bản được hỗ trợ ống nước để cho bà con có nước dùng. Không còn lo vấn đề nước sinh hoạt, bà con có điều kiện để lao động, phát triển sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm, lồng ghép nguồn kinh phí để tu sửa lại các công trình đã xuống cấp, làm sao đó để mỗi hộ gia đình có 1 vòi nước để gia đình có trách nhiệm quản lý hơn”.
 
Có thể thấy, mang nước sạch đến với ĐBDTTS là chính sách hết sức cần thiết. Nhờ triển khai kịp thời, nhiều người dân vùng DTTS đã được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để người dân yên tâm lao động sản xuất, phấn đấu giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
X.Phú

tin liên quan

"Hộ chiếu" cho gỗ rừng trồng

(QBĐT) - Những năm gần đây, UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Thuận Nhiên thuộc Tập đoàn An Việt Phát tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức cấp chứng chỉ FSC cho 3.077ha rừng trồng của 1.153 hộ dân tại xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch và Hương Hóa. Chứng chỉ FSC đã góp phần nâng cao hiệu quả của rừng, là tấm "hộ chiếu" để các sản phẩm từ gỗ rừng trồng vươn xa.

Quảng Ninh: Khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội huyện năm 2024

(QBĐT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 31/8, huyện Quảng Ninh tổ chức khai mạc triển lãm thành tựu phát triển kinh tế-xã hội huyện năm 2024.

Chủ động nguồn vốn cho vay các chương trình

(QBĐT) - Thời gian qua, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của người lao động ở huyện Bố Trạch tương đối lớn, nhất là tại các địa bàn đang diễn ra quá trình đô thị hóa, trong khi đó, nguồn vốn Trung ương phân bổ rất hạn hẹp. Để chủ động nguồn vốn, huyện đã chuyển một phần ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giải quyết nhu cầu vốn vay cấp thiết cho người dân.