Chuyện "pháo đài xanh" ở Hưng Trạch
(QBĐT) - Dọc theo sông Son thuộc thôn Cổ Giang, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) là những hàng tre xanh mát. Để bảo tồn và phát triển cây tre nhằm chống sạt lở, đồng thời tạo cảnh quan phục vụ du lịch, xã Hưng Trạch đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng. Hiện, một số hộ dân được xã cho thuê đất đã tập trung chăm sóc, cải tạo, phát triển cây tre bản địa khá hiệu quả, thử nghiệm trồng một số giống tre mới. Đây là hướng đi mà Hưng Trạch đang nỗ lực nhằm phát triển loài cây được mệnh danh là “pháo đài xanh” bảo vệ làng quê trong bối cảnh sạt lở bờ sông đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Gìn giữ nét quê
Dọc theo bờ sông Son đoạn qua thôn Cổ Giang là con đường thảm nhựa rất đẹp với dáng vẻ mềm mại và xanh mát bởi rặng tre tỏa bóng. Đây cũng là con đường mà nhiều khách du lịch nước ngoài tại Phong Nha-Kẻ Bàng lựa chọn để khám phá thiên nhiên với những điểm dừng chân thú vị.
Chị Nguyễn Hà Giang (SN 1992), ở thôn Cổ Giang cho biết: Trước đây, vợ chồng chị làm việc ở Bình Dương. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, hai vợ chồng trở về quê tránh dịch và quyết định ở lại. Trong khi loay hoay nghĩ cách mưu sinh thì được người thân ngỏ ý cùng tham gia mô hình chăm sóc, bảo tồn cây tre trên diện tích đất nông nghiệp sử dụng mục đích công ích được xã cho thuê.
Với 3 lao động là những người dân bản địa, hiểu rõ quy luật của dòng sông Son cũng như tầm quan trọng của cây tre trong đời sống, nhất là tác dụng phòng, chống sạt lở bờ sông, giữ đất, giữ làng, họ đã nỗ lực làm tốt việc chăm sóc loài cây vốn dĩ bao đời nay sinh tồn tự nhiên. “Chúng tôi đã ký cam kết với UBND xã về việc giữ nguyên cảnh quan và phát triển cây tre. Việc chăm sóc tre cũng đơn giản, đó là theo dõi để chặt tỉa tre già, chăm sóc măng và được phép khai thác sản phẩm theo đúng quy định của địa phương. Bên cạnh đó, để tạo nguồn thu nhập, chúng tôi trồng các loại cây hàng năm, rau màu, hoa… “Khu vườn” của chúng tôi cũng trở thành điểm dừng chân ngắm cảnh của nhiều du khách”, chị Giang cho biết.
Anh Lê Văn Trung, cùng thôn Cổ Giang, chủ nhân của khu đất có diện tích gần 2ha nằm cạnh bờ sông và liền kề với khu đất của chị Nguyễn Hà Giang cũng rất tâm huyết với việc bảo tồn cây tre. Vừa nỗ lực giữ gìn, phát triển cây tre bản địa, anh đồng thời trồng thử nghiệm một số loài tre khác nhằm tạo sự đa dạng. Để “lấy ngắn nuôi dài” anh Trung trồng thêm rau sạch cung cấp cho các hộ kinh doanh trong khu vực, trồng hoa và tạo cảnh quan để người dân và du khách “check-in”, chụp ảnh.
Hàng năm, các hộ dân đều báo cáo, cập nhật hiện trạng phát triển của cây tre cho địa phương theo đúng quy định. Là những người sinh ra và lớn lên tại địa phương, gắn bó và hiểu giá trị của cây tre đối với quê hương nên họ rất tâm huyết với mô hình này.
Khó khăn cần tháo gỡ
Là mô hình được chính quyền địa phương và “người trong cuộc” đánh giá khá hiệu quả và cần có sự đầu tư để phát triển, nhưng trong quá trình hoạt động, họ còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa mưa lũ luôn đe dọa và gây thiệt hại lớn. Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, bảo vệ các loại hoa màu, họ phải tính toán thời vụ kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, đối với quy định cho thuê đất nông nghiệp sử dụng mục đích công ích chỉ có thời hạn 5 năm, anh Lê Văn Trung cũng cho biết, cá nhân anh cùng những hộ thuê đất và tham gia chăm sóc, phát triển cây tre mong muốn được thuê thời gian dài hơn để yên tâm đầu tư. Với những tiềm năng về du lịch của vùng đất này, hiện anh Trung đang triển khai các bước thành lập mô hình du lịch cộng đồng. “Định hướng là vậy, nhưng việc triển khai vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để yên tâm đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh kết hợp bảo vệ cây tre, bảo vệ môi trường sinh thái quê hương”, anh Trung chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Lê Ngọc Sơn cho biết, toàn xã có gần 10 hộ thuê đất trồng tre. Khẳng định hiệu quả của mô hình, ông cũng chia sẻ với những mong muốn của các hộ dân. Ông Sơn cho biết, hiện địa phương đang tích cực kêu gọi thu hút đầu tư và hỗ trợ các hộ dân trong thành lập, phát triển du lịch cộng đồng, trong đó chăm sóc, phát triển cây tre bản địa là nội dung trọng tâm. Đây là hướng đi mà cả chính quyền địa phương và người dân đều hướng tới bởi những lợi ích mà các dự án mang lại trong phòng chống sạt lở, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo cảnh quan, phát triển du lịch.
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở ở nhiều dòng sông trong tỉnh đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Sông Son tại huyện Bố Trạch là một trong những dòng sông có nhiều điểm sạt lở lớn. Để đối phó với thực trạng này, xã Hưng Trạch đã cho các hộ dân thuê đất trồng và phát triển cây tre bản địa, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực và cần được tiếp sức, nhân rộng. |
Ngọc Mai