"Hộ chiếu" cho gỗ rừng trồng

  • 10:26 | Thứ Bảy, 31/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Thuận Nhiên thuộc Tập đoàn An Việt Phát tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức cấp chứng chỉ FSC cho 3.077ha rừng trồng của 1.153 hộ dân tại xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch và Hương Hóa. Chứng chỉ FSC đã góp phần nâng cao hiệu quả của rừng, là tấm “hộ chiếu” để các sản phẩm từ gỗ rừng trồng vươn xa.
 
Xã Thanh Thạch (Tuyên Hóa) có gần 700ha rừng trồng. Nhờ trồng rừng đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều đồ dùng hiện đại. Trước đây, bà con chủ yếu trồng rừng phục vụ cho sản xuất giấy và gỗ dăm trong nước nên giá trị kinh tế còn thấp, việc bán gỗ rừng trồng cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả không ổn định. Chưa kể những năm gặp bão lớn, rừng gãy đổ nhiều, thương lái ép giá khiến người dân phải lao đao...
 
Để giúp bà con xã Thanh Thạch nâng cao giá trị rừng trồng, UBND huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên tổ chức rà soát và cấp chứng chỉ rừng FSC cho bà con. Đến nay, toàn xã có trên 523ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC với 172 chủ rừng. Anh Nguyễn Văn Thức, một người dân ở thôn 1, xã Thanh Thạch phấn khởi: “Trước đây, có thời điểm rừng chuẩn bị thu hoạch thì bị bão quật gãy hết nên tôi phải bán giá thấp. Từ khi có chứng chỉ FSC, rừng gia đình tôi được ký cam kết bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường khoảng 15-20%. Nếu trường hợp gặp bão, cây gãy đổ vẫn bán được với giá cao hơn so với giá thị trường”.
Hàng trăm ha rừng trồng của người dân xã Thanh Thạch được cấp chứng chỉ FSC.
Hàng trăm ha rừng trồng của người dân xã Thanh Thạch được cấp chứng chỉ FSC.
Gia đình anh Thức có 5ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Mỗi ha rừng trồng thông thường bán được khoảng 50 triệu đồng. Nhưng khi được cấp chứng chỉ FSC, anh có thể bán được cả cành, ngọn, lại không phải bóc vỏ; mỗi ha rừng bán được khoảng 70 triệu đồng. Khi thu hoạch xong rừng, anh cũng không đốt thực bì ngay mà dọn lại sạch sẽ, quy hoạch bài bản, đúng kỹ thuật rồi trồng lại rừng mới.
 
Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch Đoàn Xuân Long cho biết: “Để rừng được cấp chứng chỉ FSC, UBND xã đã tuyên truyền, vận động và yêu cầu bà con thực hiện cải tạo rừng theo quy định. Sau khi được cấp chứng chỉ FSC, sản phẩm từ gỗ rừng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang nước ngoài, được các doanh nghiệp mua giá cao hơn so với rừng không có chứng chỉ. Phần cành, ngọn cũng được thu mua đến mức tối đa nên người dân vô cùng phấn khởi. Ngoài ra, gỗ rừng trồng có chứng chỉ là cơ sở cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đi nước ngoài ký cam kết bao tiêu với giá cao hơn”.
 
Để rừng được cấp chứng chỉ FSC, HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên đã rà soát những diện tích đất trồng rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng để hướng dẫn bà con cải tạo lại rừng, làm hồ sơ kỹ thuật. Trước khi chuyển đổi, bà con phải vệ sinh rừng sạch sẽ. Rừng sau khi khai thác không được đốt thực bì mà phải dọn lại để xử lý theo quy định. Trong quá trình trồng mới phải theo quy hoạch, kỹ thuật để tiện cho xe, máy móc vào khai thác.
 
Ngoài ra, HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên cũng đã mời các tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng được Hội đồng quản lý rừng thế giới ủy nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, tập huấn và xây dựng hồ sơ kỹ thuật cho người dân theo yêu cầu quản lý rừng bền vững FSC.
 
UBND huyện Tuyên Hóa hiện tiếp tục phối hợp với HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên khảo sát và dự định cấp thêm chứng chỉ rừng cho người dân xã Cao Quảng, Ngư Hóa, Mai Hóa và Phong Hóa với diện tích khoảng 2.500ha. “Hiện, chúng tôi đang tập trung truyền thông, khảo sát lại diện tích đủ điều kiện để cấp chứng chỉ rừng FSC cho bà con. Về lâu dài, HTX cũng sẽ liên kết với người trồng rừng cung cấp cây giống tốt, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất”, Giám đốc HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên Bùi Thị Thanh Trà cho hay.
 
Toàn xã Ngư Hóa có trên 1.500ha rừng trồng. Nếu toàn bộ diện tích rừng trồng trên địa bàn xã đủ điều kiện cấp chứng chỉ FSC sẽ là một lợi thế rất lớn cho người dân trong việc nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng cũng như tăng thêm thu nhập từ rừng.
 
Anh Lê Viết Cường, ở thôn 4, xã Ngư Hóa chia sẻ: “Khi được truyền thông, tôi và bà con đã hiểu được lợi ích của việc tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn của FSC nên rất phấn khởi. Thời gian tới, tôi sẽ cải tạo lại 20ha rừng trồng của mình theo tiêu chuẩn, phấn đấu để được cấp chứng chỉ FSC”.
 
Quảng Bình hiện có trên 10.700ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Trong đó, huyện Tuyên Hóa là địa phương có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lớn thứ 2 toàn tỉnh sau huyện Bố Trạch (trên 4.500ha). Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2025, huyện Tuyên Hóa sẽ phấn đấu đưa diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đạt khoảng 6.000-7.000ha.

Cũng theo đại diện HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên, khi mới tiếp cận FSC, nhiều người dân khá bỡ ngỡ. Nhưng qua các cuộc tập huấn, họ đã hiểu trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC không chỉ gia tăng hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cho chính người trồng rừng. Vì trồng rừng theo chứng chỉ phải bảo đảm nguyên tắc bảo hộ lao động; không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục FSC cho phép. Những diện tích rừng FSC còn có lợi thế lớn trong việc xây dựng chuỗi liên kết giữa các đơn vị cung cấp cây giống, chủ rừng và các doanh nghiệp tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Khi tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, rừng của bà con sẽ có đầu ra ổn định với cam kết thu mua cao hơn giá thị trường. Việc tuân thủ các tiêu chí rừng bền vững cũng đòi hỏi ý thức và cả nỗ lực rất lớn từ chính các hộ trồng rừng. Bà con có chứng chỉ rừng FSC thay vì chỉ trồng rừng 4-5 năm là thu hoạch như trước thì nay chuyển sang trồng tối thiểu 7 năm mới thu hoạch. Tuy thời gian kéo dài, nhưng bù lại khối lượng gỗ, lợi nhuận của người dân sẽ tăng hơn so với trước”.
Xuân Vương

tin liên quan

Công nhận TX. Ba Đồn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Chiều 30/8, UBND tỉnh tổ chức họp thẩm định, xét, đề nghị công nhận các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh do đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Chú trọng triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024

(QBĐT) - Ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Để kịp thời triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 573/KH-UBND triển khai thi hành Luật Đất đai và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công

(QBĐT) - Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, thời gian qua, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường.