Cùng cựu chiến binh làm kinh tế

  • 06:46 | Thứ Sáu, 30/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đồng hành với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai các gói vay ưu đãi đến từng hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh, giúp nhiều hội viên vươn lên phát triển kinh tế.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sửa chữa ô tô của gia đình, bà Nguyễn Thị Bé, hội viên Hội CCB thôn Ba Đa, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ: “Năm 2014, gia đình có đầu tư vốn để mở 1 cơ sở sửa chữa ô tô. Tuy nhiên, đợt thiên tai bão lũ năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho gia đình. Nhà xưởng, máy móc bị nước lũ phá hỏng... Thiệt hại ước tính khoảng 170 triệu đồng. Toàn bộ vốn liếng dành dụm đầu tư vào cơ sở sửa chữa ô tô bỗng chốc gần như mất trắng. Được sự tư vấn, giới thiệu của Hội CCB xã, tôi đã vay gói giải quyết việc làm của NHCSXH để đầu tư mua sắm, sửa chữa lại máy móc, nhà xưởng. Nhờ vậy mà cơ sở duy trì hoạt động bình thường trở lại”.

Nhiều mô hình kinh tế của cựu chiến binh được tiếp sức nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhiều mô hình kinh tế của cựu chiến binh được tiếp sức nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài tạo thu nhập ổn định cho gia đình, hiện nay, cơ sở của bà Nguyễn Thị Bé còn tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 5 lao động địa phương.

Ông Đào Hữu Thừng, Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Ninh cho biết: Những năm qua, các chương trình vay vốn của NHCSXH đã giúp nhiều hội viên CCB trên địa bàn xã có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Với lãi suất thấp ưu đãi phù hợp, thủ tục vay nhanh chóng đã tạo điều kiện để các CCB yên tâm vay vốn, phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương qua các năm. Đến nay, hội không có hội viên nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo.

Hội CCB tỉnh hiện có 8 hội CCB cấp huyện, 2 hội CCB khối 487, 220 tổ chức hội CCB cấp cơ sở, với gần 58.000 hội viên. Trong đó, có hơn 6.000 hội viên CCB là thương binh, gần 3.500 bệnh binh và hơn 2.000 hội viên bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Phần lớn hội viên CCB đều khó khăn về kinh tế, đời sống gắn liền với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chịu nhiều rủi ro, tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu nên hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, họ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, Hội CCB tỉnh có 360 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 125/151 xã, phường, thị trấn, quản lý tổng dư nợ số tiền 806,9 tỷ đồng, với 13.587 hộ dư nợ, bình quân mỗi hộ được vay 59,4 triệu đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn hàng năm thấp, nhờ vậy, chất lượng tín dụng của Hội CCB tỉnh liên tục nhiều năm được NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình xếp loại tốt.

Đáp ứng nhu cầu đó, những năm qua, NHCSXH đã ủy thác nguồn vốn vay sang Hội CCB tỉnh nhằm triển khai các gói vay ưu đãi cho các hội viên. Nhờ đó, nhiều CCB đã đầu tư, phát triển kinh tế và để vươn lên khẳng định bản thân. Có thể nói, so với các tổ chức chính trị-xã hội khác, Hội CCB tỉnh thực hiện hoạt động ủy thác muộn hơn nhưng được sự giúp đỡ, phối hợp của NHCSXH và cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội CCB tỉnh đã làm tốt công tác ủy thác cho vay từ nguồn vốn NHCSXH.

Ông Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của Hội CCB Việt Nam “Trung thành-đoàn kết-gương mẫu-đổi mới”, và thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, những năm qua, các cấp hội đã tư vấn, động viên các hộ CCB vay vốn NHCSXH và tận dụng lợi thế của từng địa phương để phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi. Các hội viên sau khi vay vốn đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, qua đó, tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Ngoài việc tập trung đầu tư phát triển sản xuất, các hội viên còn chia sẻ kinh nghiệm để cùng giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay với NHCSXH, Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt sâu, kỹ các văn bản lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương về tín dụng chính sách xã hội; tập trung chỉ đạo khắc phục hạn chế, thiếu sót và thực hiện tốt các nội dung đã ký cam kết; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đ.Nguyệt

tin liên quan

Chủ động nguồn vốn cho vay các chương trình

(QBĐT) - Thời gian qua, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của người lao động ở huyện Bố Trạch tương đối lớn, nhất là tại các địa bàn đang diễn ra quá trình đô thị hóa, trong khi đó, nguồn vốn Trung ương phân bổ rất hạn hẹp. Để chủ động nguồn vốn, huyện đã chuyển một phần ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giải quyết nhu cầu vốn vay cấp thiết cho người dân. 

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch đầu tư công (ĐTC) và giải ngân nguồn vốn ĐTC được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để đưa nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội. Tại Quảng Bình, công tác này cũng được các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện trong thời gian qua, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030

(QBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 921/QĐ-TTg, ngày 28/8/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.