Chủ động nguồn vốn cho vay các chương trình
(QBĐT) - Thời gian qua, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của người lao động ở huyện Bố Trạch tương đối lớn, nhất là tại các địa bàn đang diễn ra quá trình đô thị hóa, trong khi đó, nguồn vốn Trung ương phân bổ rất hạn hẹp. Để chủ động nguồn vốn, huyện đã chuyển một phần ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nhằm giải quyết nhu cầu vốn vay cấp thiết cho người dân.
Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết: Thời gian qua, huyện Bố Trạch đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của NHCSXH. Chính quyền các cấp đã hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và đặc biệt hàng năm, HĐND, UBND huyện đã trích một phần ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH huyện để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn này cùng với nguồn vốn Trung ương đã về đến tất cả các thôn, xóm, bản làng trong toàn huyện, góp phần thúc đẩy các chương trình kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là chương trình giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội.
Hàng năm, cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách cấp huyện chuyển sang NHCSXH huyện để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn bình quân đạt 671 triệu đồng/năm.
Đến nay, tổng dư nợ từ nguồn ngân sách huyện là 13.810 triệu đồng với 311 khách hàng đang dư nợ, bình quân dư nợ 44,4 triệu đồng/khách hàng. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác khi vay vốn được hưởng ưu đãi về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay chủ yếu trung hạn, không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khi vay vốn. Hơn thế, họ được phục vụ ngay tại nơi cư trú, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc an toàn tín dụng.
Đến nay, nguồn vốn ngân sách của huyện ủy thác qua PGD NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã sử dụng đúng mục đích, đang phát huy hiệu quả. Nguồn vốn đã về đến với tất cả các thôn, xóm, bản làng trong toàn huyện, góp phần phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Từ nguồn vốn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có việc làm ổn định, tạo thêm nhiều của cải cho gia đình và xã hội, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, bảo đảm an ninh trật tự xã hội ở địa phương.
Cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang PGD NHCSXH huyện để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là giải pháp hữu hiệu quan trọng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hiệu quả của tín dụng CSXH đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Đ.N
|
Anh Nguyễn Hoàng Thuyết, xã Nam Trạch chia sẻ: Qua giới thiệu của địa phương, anh biết đến gói vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời đã giúp gia đình anh có điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở sản xuất đồ nội thất. Cơ sở phát triển không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho gia đình anh mà còn hỗ trợ tạo việc làm cho một số lao động khác.
Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng CSXH là “đòn bẩy” kích thích người nghèo và các đối tượng khác có điều kiện phát triển sản xuất. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đã lồng ghép được các chương trình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách thức làm ăn. Các hộ nghèo được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập, nhằm xóa đói giảm nghèo. Nguồn vốn NHCSXH cũng tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có đủ chi phí để học tập ở các trường đại học, trung học và dạy nghề-đào tạo nguồn nhân lực mới cho tương lai, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển..., góp phần giúp cho hàng nghìn hộ dân ở nông thôn cải thiện điều kiện sinh hoạt.