Tạo chuyển biến trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường

  • 07:22 | Thứ Hai, 22/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), từ đầu năm đến nay, công tác quản lý nhà nước về TN-MT trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật. Qua đó, tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa phương.
 
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Huệ cho biết: Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch trên các lĩnh vực của Trung ương và của tỉnh, ngành TN-MT tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
 
Từ đầu năm đến nay, Sở TN-MT tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai năm 2013, tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024; tập trung thực hiện tốt, kịp thời các nhiệm vụ được giao đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Quảng Bình; công trình xây dựng Nhà ga hành khách T2 và sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới và các công trình trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, đôn đốc hoàn thiện hồ sơ kế hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2025 theo phương án điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
 
Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân đã được thực hiện một cách kịp thời và có hiệu quả; xử lý nhanh các chỉ đạo của tỉnh, phản ánh của báo chí, kiến nghị của cử tri về ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép, tranh chấp đất đai, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lĩnh vực khoáng sản đã được tăng cường kiểm soát chặt chẽ đáp ứng hoạt động phát triển KT-XH của tỉnh, của huyện, thị xã, thành phố. Lĩnh vực đo đạc, bản đồ, viễn thám, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và quản lý tổng hợp biển, hải đảo đã được quan tâm, đẩy mạnh.
Ngành TN-MT tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Ngành TN-MT tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Đặc biệt, công tác quản lý đất đai đã được Sở TN-MT, các địa phương cấp huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình, dự án trọng điểm. Công tác phát triển quỹ đất tiếp tục được chỉ đạo, triển khai; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được triển khai quyết liệt; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; vận hành thử phương thức thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai.
 
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở TN-MT đã tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của 8 huyện, thành phố, thị xã; trình UBND tỉnh đề nghị thông qua nghị quyết bổ sung, điều chỉnh danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của TP. Đồng Hới và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Minh Hóa.
 
Đồng thời, tích cực tham mưu đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh; đề xuất điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn tỉnh; công tác đấu giá quyền sử dụng đất; tham mưu xây dựng chính sách, giải quyết vướng mắc về đất đai. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh, trong đó gia hạn sử dụng đất cho 5 đơn vị do chậm tiến độ và 7 đơn vị khẩn trương đầu tư, hoàn thành dự án đưa vào hoạt động theo tiến độ đầu tư; công bố công khai trên trang thông tin điện tử các dự án sử dụng đất chậm tiến độ...
 
Cũng trong thời gian này, ngành TN-MT đã tiếp nhận, xử lý 60 hồ sơ giao đất với diện tích hơn 876.209m2 và 37 hồ sơ cho thuê đất với diện tích 394.852m2; giải quyết 11 hồ sơ thu hồi đất với diện tích gần 618.523m2 và 1 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 4.596m2; phối hợp thẩm định chủ trương đầu tư 69 dự án; tham gia góp ý quy hoạch chi tiết đối với 52 dự án.
 
Bên cạnh đó, sở đã tập trung chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện cấp lần đầu 266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho tổ chức và 320 giấy chứng nhận cho hộ gia đình; cấp đổi, cấp lại 238 giấy chứng nhận cho tổ chức và 14.910 giấy cho hộ gia đình, qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Mặt khác, tiếp nhận và giải quyết 67.799 hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ, đăng ký biến động đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và đăng ký giao dịch bảo đảm. Đến nay, kết quả cấp GCNQSDĐ chung toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 596.884ha, đạt 96,13%.
 
Phó Giám đốc Sở TN-MT Phan Xuân Hào cho biết: Lĩnh vực môi trường cũng đã được toàn ngành quan tâm đẩy mạnh từ hoạt động cấp phép, xác nhận các hồ sơ thủ tục ban đầu cho đến tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên liên tục. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ.
 
Từ đầu năm đến nay, Sở TN-MT tiếp tục thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 35 hồ sơ đánh giá tác động môi trường, 22 giấy phép môi trường theo quy định. Tham mưu rà soát kết quả thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh theo bộ tiêu chí 2021-2025. Đến nay, toàn tỉnh có 82/128 xã đạt tiêu chí môi trường.

“Sở TN-MT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã về tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải; thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề; phối hợp đề xuất khảo sát bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt và khảo sát nhu cầu sử dụng nhiên liệu tái chế từ chất thải; phối hợp thực hiện bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT tỉnh Quảng Bình năm 2023. Tiếp tục theo dõi, giám sát quan trắc tự động; tăng cường đôn đốc các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Phan Xuân Hào cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý TN-MT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục trong thời gian tới. Đó là, công tác cấp GCNQSDĐ mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng một số trường hợp còn chậm. Ý thức BVMT của một số người dân và doanh nghiệp chưa thành thói quen, nếp sống, trang thiết bị và nhân lực cho lĩnh vực BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế, dàn trải. Tình trạng khai thác cát, sạn trái phép mặc dù đã được ngăn chặn nhưng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản gắn với BVMT còn gặp khó khăn, nhất là việc khai thác, vận chuyển đá xây dựng...
 
Từ tình hình trên, để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết, toàn ngành đang tập trung thực hiện chính sách, pháp luật TN-MT một cách đồng bộ hơn nữa để tạo điều kiện cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, đo đạc và bản đồ, biến đổi khí hậu... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TN-MT; nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TN-MT.
A. Tuấn

tin liên quan

Kỳ vọng mô hình nuôi trai lấy ngọc

(QBĐT) - Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc là mô hình mới, kỹ thuật mới, tương đối phức tạp, thế nhưng lão nông Phan Văn Lĩnh, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) vẫn quyết tâm nuôi thử nghiệm, bước đầu cho tín hiệu tích cực, khả quan.

Giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm 2024.

"Chìa khóa" nâng tầm nông sản

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đa giá trị, cùng với việc tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của từng vùng, từng địa phương, Quảng Bình chú trọng xây dựng và phát triển các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trong đó có sử dụng tên địa danh trên địa bàn tỉnh-Đây được xem là "chìa khóa" để "định danh" và nâng tầm giá trị nông sản…