Kỳ vọng mô hình nuôi trai lấy ngọc

  • 07:21 | Thứ Hai, 22/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc là mô hình mới, kỹ thuật mới, tương đối phức tạp, thế nhưng lão nông Phan Văn Lịnh, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) vẫn quyết tâm nuôi thử nghiệm, bước đầu cho tín hiệu tích cực, khả quan.
 
Yêu thích công việc nhà nông, cùng sự cần cù và quyết tâm, ông Phan Văn Lịnh tìm ra cách biến một vùng đồi hoang ở xã Kim Hóa thành trang trại tổng hợp, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trang trại của ông gồm có 12ha rừng trồng, trồng cây ăn quả, và chăn nuôi tổng hợp, gồm: 30 tổ ong lấy mật, 40 con lợn, 10 con bò, 40 con dê và 2.000m2 ao hồ thả cá, đem về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thế nhưng, chưa bằng lòng với cơ ngơi đang có, ông Lịnh tiếp tục thử sức với mô hình kinh tế mới là nuôi trai lấy ngọc.
 
Ông Lịnh cho biết, trước đây, trong ao cá của gia đình, trai tự nhiên sinh trưởng và phát triển rất tốt, một số con nuôi lâu năm đã có ngọc. Tình cờ xem ti vi, thấy người dân Hà Tĩnh nuôi trai lấy ngọc trong nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông đã mạnh dạn học hỏi để thử nghiệm. Được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, cuối năm 2022, ông quyết định đầu tư, đưa vào nuôi thử nghiệm mô hình trai lấy ngọc trong ao nước ngọt trên diện tích 2.000m2 mặt nước của gia đình với 2.000 con giống. Đây là giống trai đen cánh dày đã nhân cấy tế bào trên 6 tháng bảo đảm chất lượng, mỗi con được cấy từ 2-3 nhân ngọc trai, sau thời gian nuôi 24 tháng sẽ cho ra sản phẩm ngọc trai đạt chất lượng.
Trai lấy ngọc sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường ao nuôi.
Trai lấy ngọc sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường ao nuôi.
Theo ông Lịnh, mặc dù vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng nuôi trai lấy ngọc không tốn chi phí thức ăn vì loài trai ăn phù du trong tự nhiên, sản phẩm ngọc trai giá trị cao, khi lấy ngọc xong đồng thời còn bán ruột trai làm thực phẩm cho các nhà hàng... và bán vỏ trai làm khảm nên tận dụng được tối đa giá trị.
 
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên trong quá trình chăm sóc, một số con trai nuôi bị chết do hà, bùn đất bám dày vỏ. Cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn gia đình kịp thời xử lý môi trường, vệ sinh vỏ trai, hệ thống lưới treo tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển vật nuôi, thời tiết mát mẻ đã tiến hành bổ sung dinh dưỡng khoáng, vôi bột vào nước cân bằng các yếu tố môi trường cho trai phát triển ổn định; một số con có dấu hiệu nhiễm nấm đã xử lý bằng pha nước muối sinh lý, ngâm 1-2 giây sau đó phơi khô khoảng 15 phút rồi thả trở lại vào ao.
 
Trong quá trình nuôi, nguồn nước ao nuôi phải luôn sạch, nước vào, ra thường xuyên, không tắm, giặt, xả xà phòng vào ao nuôi… Toàn bộ trai được đựng cố định trong túi lưới, treo phao, cách làm này giúp trai không bị lệch nên hạt ngọc tròn, đẹp; đồng thời tảo và các sinh vật phù du sẽ bám vào lưới nhiều hơn, tạo thức ăn đa dạng cho trai. Tuy nhiên, phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh túi nuôi trai để loại bỏ rong rêu và các sinh vật sống bám, hạn chế tối đa dịch bệnh và bảo đảm sự phát triển của trai.
 
Khi kết hợp với thả cá và nuôi trai lấy ngọc trên cùng một diện tích mặt nước sẽ giúp cải tạo nguồn nước ao nuôi, giảm chi phí thức ăn cho trai, lấy ngắn nuôi dài, bảo đảm thu nhập cho người nuôi.

Bà Lê Thị Hồng Diễm, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa cho biết: Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, con trai thích nghi tốt với môi trường ao đất của gia đình, tỷ lệ sống đạt 97,5%, mức độ phủ ngọc tốt, màu sắc ánh vàng, hình giọt nước với kích thước đạt 2mm. Dự kiến, sau 24 tháng, lứa trai có thể cho thu hoạch.

Nuôi trai lấy ngọc đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng chất lượng ngọc cao gấp nhiều lần so với ngọc tự nhiên bởi trong môi trường nhân tạo, người nuôi dễ kiểm soát được bệnh, cho ăn đầy đủ dưỡng chất, sẽ khiến ngọc tròn, đẹp, bóng; tỷ lệ cao hơn ngọc tự nhiên nhiều lần nên giá trị cũng cao hơn. Về công tác tiêu thụ, do là đối tượng nuôi mới nên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ giúp kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua ngọc trai để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho gia đình.
 
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, hiện ngọc trai thành phẩm có giá bán từ 200.000-500.000 đồng/viên, nếu thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, mỗi vụ, người nuôi có thể thu về hàng trăm triệu đồng/ha. Đây có thể coi là một hướng đi mới, khả quan cho ngành thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh, giúp tận dụng tối đa diện tích mặt nước, tạo thêm thu nhập cho người nông dân.
Thanh Hoa