Vốn vay chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp
(QBĐT) - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã tạo chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Nhờ có vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển những mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao, qua đó thúc đẩy ngành Nông nghiệp ngày càng phát triển.
Quảng Bình có gần 80% dân số nông thôn và 48% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh thường xuyên nhưng cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chuyển dịch đúng hướng, thu nhập của người nông dân từng bước được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Đạt được kết quả đó là nhờ vai trò đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng CSXH. Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai nhiều chương trình cho nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và ngành nghề nông thôn, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể khẳng định vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân và từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Đình Hiệp cho biết: Trong 10 năm (2014-2024) triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH đã triển khai các chương trình vay, như: Cho vay hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường... Qua đó, đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời. Với số vốn vay hợp lý, lãi suất ưu đãi, hầu hết các trường hợp vay đã sử dụng đúng mục đích, phát triển nguồn vốn tốt. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã biết cách sử dụng nguồn vốn này để phát triển mô hình sản xuất. Thông qua nguồn vốn CSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.
Huyện Lệ Thủy có hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề nông. Thời gian qua, hoạt động tín dụng CSXH đã hỗ trợ không nhỏ cho sự phát triển nông nghiệp của địa phương. Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Lệ Thủy cho biết: Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời và qua 10 năm triển khai thực hiện đã tạo được động lực mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng của NHCSXH trên địa bàn huyện. Bộ máy tổ chức, mạng lưới hoạt động tín dụng chính sách tại huyện luôn được củng cố, kiện toàn và ngày càng lớn mạnh. Mạng lưới hoạt động trải dài đến khắp các thôn xóm, bản làng. Đến nay, PGD NHCSXH huyện có 17 chương trình tín dụng đang còn dư nợ, tăng so với năm 2014 là 14 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ thực hiện đến nay là 757.162 triệu đồng, tăng so năm 2014 là 376.143 triệu đồng, với 13.467 hộ còn dư nợ, bình quân mỗi hộ có dư nợ là 56 triệu đồng, tăng 33 triệu đồng so với năm 2014.
Từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã góp phần khôi phục một số làng nghề truyền thống; nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, nuôi trồng thủy hải sản và các ngành nghề khác tại địa phương. Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng. Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho trên 6.300 hộ thoát khỏi ngưỡng đói nghèo, giải quyết cho hơn 10 nghìn lao động có việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, PGD huyện đã thực hiện giải ngân 1.249 tỷ đồng với hơn 32.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Qua đó, giúp gần 6.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo và 20 nghìn lao động được tạo thêm việc làm mới. Đặc biệt, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện cũng được khôi phục, như: Rượu Võ Xá của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh rượu làng nghề Võ Xá; khoai deo Hải Ninh của HTX Sản xuất và chế biến khoai deo Hải Ninh...
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, từ nguồn vay vốn của NHCSXH đã góp phần cùng ngành Nông nghiệp tỉnh gặt hái nhiều kết quả tích cực, như: Giá trị sản xuất giai đoạn 2014-2023 tăng bình quân trên 4%/năm, sản lượng lương thực trên 30 vạn tấn, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53,6%. |
Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH luôn đồng hành, góp phần phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Hiện, trên địa bàn huyện có 18 sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Nhiều nông sản trên địa bàn đã tạo được thương hiệu, như: Cá bờm trắng, tôm khô (HTX Sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn), mắm ruốc Xuân Hồng (HTX Mua bán chế biến thủy hải sản Xuân Hồng), mật ong Trường Xuân (HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân), cao cà gai leo Bắc Tiến (HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến)… Nguồn vốn ưu đãi cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, nuôi trồng thủy hải sản và các ngành nghề khác.
Có thể nói, việc triển khai các chương trình vay vốn của NHCSXH là điều kiện hết sức cần thiết để phát triển sản xuất. Việc một bộ phận lớn người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang thức dậy một thị trường sản xuất hàng hóa và tiêu thụ rộng lớn, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đ.N