"Góp một cây để có rừng"
(QBĐT) - Quảng Bình là điểm khởi đầu của chương trình “Góp một cây để có rừng” do Công ty TNHH xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) khởi xướng. Từ khu rừng đầu tiên tại bản Kè, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), chương trình đã mở rộng diện tích rừng trồng lên tới 17 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La. Đến nay, chương trình đã hoàn thành việc trồng rừng trên 532ha, tương đương với gần 600.000 cây giống bản địa. Diện tích rừng trồng trên địa bàn được chăm sóc, bảo vệ tốt nên ngày càng phát triển.
Rừng đầu nguồn ở Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho con người, nhà máy thủy điện, điều tiết không khí, phòng chống thiên tai... Trước đây, rừng ở khu vực này giàu trữ lượng gỗ cũng như tính đa dang sinh học. Tuy nhiên, do quá trình khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã trái phép diễn ra trong thời gian dài khiến cho rừng ngày càng nghèo kiệt, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nguồn nước và nhiều tác hại khác.
Nhằm khôi phục rừng đầu nguồn, từ tháng 3/2021 đến nay, VARS phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao đã hỗ trợ cho người dân 17 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La trồng rừng bằng cây bản địa. Đến nay, VARS và các đơn vị liên quan đã hoàn thành việc trồng rừng trên 532ha (trong đó huyện Tuyên Hóa 232ha), tương đương gần 600.000 cây giống bản địa.
Chương trình “Góp một cây để có rừng”, đã nhận được trên 3.800 lượt đóng góp của hàng chục tổ chức, doanh nghiệp và hàng nghìn cá nhân đồng hành. Hiện, nhiều khu rừng trồng bằng cây bản địa đã dần phủ xanh những vùng đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, hứa hẹn mang lại cuộc sống ấm no cho bà con...
Phó Giám đốc VARS Ngô Văn Hồng cho biết: “Ngay từ ngày đầu thực hiện, chương trình trồng rừng, VARS đã lựa chọn đi theo mô hình xã hội hóa, nghĩa là huy động tất cả nguồn lực, như: Chính quyền, các đơn vị chuyên môn, chủ rừng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... Rừng của VARS hỗ trợ là rừng cây bản địa thuộc sở hữu cá nhân, người dân chủ động chăm sóc và thụ hưởng toàn bộ lợi ích. Với mô hình này, chúng tôi có thể tối giản các chi phí vận hành và tối đa hóa nguồn lực cho công tác thực địa. Hơn nữa, người dân được đặt ở vị trí trung tâm, tận dụng tri thức bản địa để trồng rừng thực sự mang lại lợi ích và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương”.
Theo đó, người dân và các địa phương được hưởng lợi từ chương trình sẽ được hỗ trợ cây giống, phân bón, chi phí chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba cho mỗi ha rừng là 10 triệu đồng. Ngoài trồng rừng, người dân cũng có thể trồng các loại cây ngắn ngày, dược liệu, các mô hình nông-lâm kết hợp dưới tán rừng để bảo đảm sinh kế trước mắt và lâu dài.
Đầu năm 2021, tại khu rừng cộng đồng bản Kè, xã Lâm Hóa, VARS đã hỗ trợ cho cộng đồng bản trồng loạt cây đầu tiên, khởi động chương trình “Góp một cây để có rừng”. Dịp này, các đại biểu và người dân đã trồng 8,3ha cây bản địa. Các loại cây được trồng gồm lim xanh, sưa, lát, vàng tâm, gáo vàng...
Bà Cao Thị Vân, Trưởng bản Kè tâm sự: “Qua quá trình trồng và chăm sóc, bà con nhận thấy việc trồng và khôi phục rừng tự nhiên không những có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn mang lại cho họ nhiều lợi ích, như: Khai thác lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong, lấy mật ong rừng và bảo vệ không gian sinh tồn của cộng đồng… Nhờ trồng rừng, giữ rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng tốt nên nguồn nước khe suối trên địa bàn chưa bao giờ cạn, cuộc sống bà con cũng ngày càng khấm khá”.
Hiện, toàn xã Lâm Hóa đã trồng được 25ha rừng cây bản địa, bảo vệ hàng trăm ha rừng tự nhiên tại 4 thôn, bản trên địa bàn. Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ vận động bà con trồng thêm khoảng 25ha rừng cây bản địa. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân trồng xen cây ngắn ngày với rừng, dược liệu, hỗ trợ mô hình sinh kế để tăng thêm thu nhập; hỗ trợ phân bón, giống cây, công chăm sóc…”.
“Trong năm thứ 4 của chương trình “Góp một cây để có rừng”, VARS đặt mục tiêu mở rộng thêm 200ha diện tích rừng tại Quảng Bình và Quảng Trị; tiếp tục vận động để hỗ trợ thêm cho người dân cả nước trồng rừng bằng cây bản địa. Ngoài ra, chương trình cũng hướng tới triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng nhằm tối ưu hiệu quả, tối giản chi phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động trồng rừng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi thông điệp trồng và giữ rừng bền vững...”, Phó Giám đốc VARS Ngô Văn Hồng cho biết thêm. |
Tại xã Sơn Hóa, để bà con tham gia chương trình “Góp một cây để có rừng”, UBND xã đã tuyên truyền, vận động cho người dân thấy được lợi ích của trồng rừng đầu nguồn bằng cây bản địa. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trồng rừng, bảo vệ rừng cây bản địa. Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) Phan Xuân Tuyên cho hay: “Nhờ tuyên truyền, bà con xã Sơn Hóa đã trồng được gần 20ha rừng cây bản địa để phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con trồng thêm rừng bằng cây bản địa từ đất trồng keo chuyển đổi...”.
Anh Đinh Thế Hùng, ở thôn Tam Đa, xã Sơn Hóa chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của chương trình nên gia đình tôi đã trồng được 8ha rừng cây bản địa trồng từ cây gáo vàng. Mỗi ha, tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng cho việc mua cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc... Nhờ đó, rừng của tôi phát triển xanh tốt, có cây đã cao 5m, đường kính gốc đạt khoảng 15cm. Ngoài ra, tôi còn trồng xen sắn dưới tán rừng để tăng thu nhập. Hiện, tôi còn hơn 15ha đất trồng rừng. Nếu sau này được các chương trình, dự án hỗ trợ, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích rừng cây bản địa”.
Qua chương trình “Góp một cây để có rừng” đã giúp diện tích rừng cây bản địa của toàn tỉnh lên khoảng 3.000ha, tập trung tại huyện Quảng Trạch trên 1.000ha, Tuyên Hóa trên 500ha, Minh Hóa trên 400ha… Việc trồng rừng bằng cây bản địa không những góp phần cải tạo đất, bảo vệ nguồn nước, phát triển sinh kế cho người dân mà còn góp phần giúp nâng cao chất lượng rừng, bán tín chỉ carbon rừng cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế…
Xuân Vương